Sầm Sơn chú trọng phát triển du lịch bền vững

Đăng ngày: 30/01/2023 , 13:33 GMT+7
Bên cạnh phát triển du lịch biển, những năm gần đây, TP Sầm Sơn luôn quan tâm đầu tư phát triển du lịch di tích - văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị để hướng đến phát triển nền du lịch xanh, đa dạng, bền vững.

Sầm Sơn là vùng đất kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên và công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử - văn hóa. Nơi đây có sự đa dạng sinh học với địa danh du lịch nổi tiếng, có núi Trường Lệ, Đền Độc Cước, Hòn Trống Mái, Đền Tô Hiến Thành, Đền Cô Tiên, bãi biển cát trắng trãi dài, dòng sông mã anh hùng… Đây là những đểm đến hấp dẫn của Sầm Sơn. 

Đền Độc Cước là ngôi đền cổ nằm ở phía đầu dãy núi Trường Lệ (phường Trường Sơn) thờ thần Độc Cước. Đền không chỉ có kiến trúc đẹp mà còn là di tích nổi tiếng ở Sầm Sơn hấp dẫn du khách. Hàng năm, vào ngày 16/2 âm lịch, ngư dân tổ chức Lễ hội Cầu Phúc - lễ hội truyền thống lâu đời, nhằm tưởng nhớ công lao của thần Độc Cước và các bậc tiền nhân, để cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, tôm cá đầy khoang, mùa màng thắng lợi, du lịch phát triển. Dịp đầu xuân năm mới, người dân khắp nơi thường đến đây xin lộc, cầu bình an và sức khỏe. Người ta đồn rằng nếu ai đến Đền Độc Cước để xin lộc thì sẽ luôn được may mắn.

Lễ hội cầu phúc đầu năm tại Đền Độc Cước thu hút hàng nghìn du khách và người dân tham gia. Ảnh: MXH.

Đến với thành phố biển, ghé thăm các địa danh nổi tiếng, đưa du khách như lạc vào không gian hư hư thực thực, được sống giữa hiện tại và quá khứ xa xôi, hòa mình vào thiên nhiên biển trời rộng mở và không gian văn hóa trầm mặc. 

Để khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch từ các điểm di tích văn hóa, các danh thắng trên địa bàn, thành phố Sầm Sơn đã đẩy mạnh tổ chức nhiều lễ hội với các trò chơi, hội thi hấp dẫn dành cho đông đảo nhân dân và du khách như: Kéo co, cờ tướng, cờ thẻ.... Đặc biệt, năm nay, các hoạt động mới lạ mang tên: Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái, lễ hội Carnival đường phố Sầm Sơn… thu hút đông đảo du khách khắp nơi.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo các điểm đền, chùa và tích cực quảng bá, giới thiệu cũng như tạo tour kết nối các điểm du lịch trên địa bàn nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của du khách thập phương mỗi khi đến Sầm Sơn. 

Với những nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc khai thác các giá trị văn hóa cùng sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, đa dạng các dịch vụ nghỉ dưỡng, thành phố Sầm Sơn trong những năm gần đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Những con số ấn tượng, khoảng 7 triệu lượt khách trong năm 2022, thu ngân sách 14 nghìn tỷ đồng và 700.000 người đến với Sầm Sơn trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua đã hứa hẹn cho sự phát triển vượt bậc về du lịch nơi thành phố trẻ giàu tiềm năng này. 

Đền Độc Cước, ngôi đền cổ nằm trên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ (phường Trường Sơn) thờ thần Một Chân, vị thần đã có công tự xẻ đôi thân mình, một nửa ra biển tiêu diệt loài thủy quái, một nửa ở lại đất liền để bảo vệ cho dân chài Sầm Sơn. Trầm mặc giữa một bên là núi non xanh thẳm rì rào cây lá, phía dưới là mênh mông sóng nước ngày đêm vỗ dập dềnh vào bãi đá nhấp nhô, xa xa cảnh phố phường sầm uất, náo nhiệt, đền Độc Cước linh thiêng mà không tĩnh mịch, gợi cho du khách một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát mỗi khi ghé thăm.

Hòn Trống Mái, một địa danh gắn với huyền thoại. Men theo con đường nhỏ quanh co ven sườn núi, du khách có thể tìm thấy giữa rừng thông cao xanh đầy thơ mộng một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của Sầm Sơn được tạo hóa ưu ái ban tặng. Hòn Trống Mái với cái thế đứng chênh vênh, ấy vậy mà trải qua phong ba, bão táp vẫn sừng sững giữa đất trời và gió biển. Nơi đây còn lưu giữ câu chuyện cảm động về mối tình thuỷ chung son sắt của cặp vợ chồng trẻ sau đại nạn đại hồng thuỷ được thần tiên hoá thành đôi chim đá để ngày ngày quấn quýt bên nhau trên núi cao. Đây như là bức tranh đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho Sầm Sơn được lưu truyền từ ngàn đời nay, một trong những điểm đến văn hoá tâm linh hấp dẫn, 

Nằm cuối dãy Trường Lệ, trên đỉnh hòn Đầu Voi, bên kia là Vụng Ngọc, bên này Vụng Tiên, đền Cô Tiên tựa mình vào vách đá tạo nên một bức tranh nên thơ, hữu tình. Ngôi đền này được xây dựng từ thời Trần, ban đầu chỉ là gian miếu nhỏ, đến thời Hậu Lê mới chính thức được xây dựng hoàn chỉnh theo kiến trúc chuôi vồ. Nơi đây gắn với nhiều truyền thuyết huyền thoại hấp dẫn mạng đậm chất nhân văn và nổi tiếng linh thiêng. Năm 1960, Bác Hồ đến thăm và nghỉ chân tại đây 2 ngày vào ngày 17 và 18 tháng 7. Những hình ảnh của Bác tắm biển, kéo lưới, thăm hỏi ngư dân địa phương vẫn đang được lưu giữ tại nhà khách của ngôi đền. 

Theo sử sách ghi chép lại, đền Cô Tiên được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 3 lớp tiền đường, trung đường và hậu cung. Trải qua thiên tai và chiến tranh tàn phá, đền đã bị hư hỏng nặng và phải qua nhiều lần trùng tu. Lần gần đây nhất là vào năm 2010, đền đã được trùng tu lại song vẫn giữ được lối kiến trúc đẹp, cổ kính vốn có.Lễ hội truyền thống bánh chưng - bánh giầy.

Nơi đây có truyền thuyết về người con gái làm nghề thuốc cứu giúp nhiều người bất hạnh. Cha bắt cô lấy một kẻ giàu có, cô phản đối nên bị đuổi khỏi nhà. Cô yêu thương và lấy một chàng trai nghèo khó tốt bụng tên là Côi. Cuộc sống cứ thế trôi đi, sau đó nàng mắc bệnh hủi, một cụ già xuất hiện đã chạy chữa cho nàng bằng thuốc nam và dòng nước suối trong mát lấy từ Vụng Tiên. Cô gái xinh đẹp khỏi bệnh, bà cụ cáo từ để lại cho vợ chồng họ một tay nải che mưa và một chiếc giỏ mây đựng thuốc cứu người. Cũng vì thế mà ngôi đền được người đôi trai gái yêu nhau đến xin lộc, cầu duyên, cầu cho tình yêu bền chặt sắt son. Giờ đây, Hàng năm, vào mỗi dịp tết đến xuân về, dòng người các đôi trai gái yêu nhau từ khắp miền tổ quốc lại đến đây vãn cảnh, xin lộc cầu tình duyên, sức khoẻ.

Đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành thờ một vị tướng giỏi cũng là vị quan thanh liêm chính trực từ lâu đã được nhiều người dân địa phương biết đến và thường xuyên ghé thăm. Năm 1962, đền thờ Tô Hiến Thành đã được Nhà nước công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn di tích và phục vụ nhu cầu tâm linh của Nhân dân và du khách./.

Quang Tiến

Đăng ngày: 30/01/2023 , 13:01 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác