Chế biến nông sản xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN)
Theo báo cáo tình hình xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 2, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố ngày 1/3, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt khoảng 8 tỷ USD trong hai tháng đầu năm, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%; sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD, giảm 3,5%; thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 47,2%; lâm sản chính đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 17,0%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 367 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong hai tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc và trở thành thị trường nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam lớn nhất với giá trị kim ngạch đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 28,2% thị phần),trong đó nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,9% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt đứng thứ hai với gần 1,3 tỷ USD (chiếm 16,2% thị phần). Đặc biệt, thứ hạng mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này đã có sự thay đổi khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng cao su chiếm tới 33,3% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu, trong khi từ nhiều năm nay rau quả luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Trung Quốc.
Nhật Bản là thị trường đứng thứ ba với giá trị xuất khẩu đạt gần 586 triệu USD (chiếm 7,3%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,8% giá trị xuất khẩu). Thứ tư là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 376 triệu USD (chiếm 4,7%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn chiếm tới 51,6% giá trị xuất khẩu.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng Hai vừa qua ước đạt trên 6,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17,6%.
Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Việt Nam lớn nhất, đạt 607 triệu USD, chiếm 9,7% thị phần, trong đó mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 29,1% giá trị./.