Các biện pháp phòng vệ thương mại trong các hiệp định thương mại tự do cho doanh nghiệp dệt may, da giày

Đăng ngày: 18/08/2022 , 15:27 GMT+7

Vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh và Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh tổ chức khóa tập huấn “Các biện pháp phòng vệ thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do – Kinh nghiệm đối với ngành dệt may da giày”.

Thời gian qua, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng. Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ PVTM được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Khóa tập huấn có sự tham gia của các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại, chuyên gia kinh tế cùng sự tham dự của hơn 80 đại biểu đến từ các sở ban ngành, các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại khóa tập huấn, các chuyên gia đã trao đổi nhiều nội dung về tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may Việt Nam, triển vọng và thách thức trong bối cảnh mới; nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại ngành dệt may da giày trong bối cảnh mới và nâng cao hiệu quả thực thi biện pháp phòng vệ thương mại trong ngành dệt may da giày.

Với việc hội nhập sâu rộng, Việt Nam đang tham gia và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những ảnh hưởng từ việc gia tăng bảo hộ ngành sản xuất nội địa của các quốc gia nhập khẩu, cũng như tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA Việt Nam tham gia sẽ làm gia tăng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Các thị trường có tần suất điều tra nhiều là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Úc và Canada. Riêng các sản phẩm dệt may có 22 vụ việc, chủ yếu liên quan các biện pháp chống bán phá giá và tự vệ, tập trung chính ở các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Ấn Độ. Việc bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người lao động và gây tác động lớn đến chính sách xuất nhập khẩu, suy giảm lợi thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã tiến hành điều tra 25 vụ việc PVTM, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 06 vụ việc tự vệ, 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 01 vụ việc chống trợ cấp. Mười sáu biện pháp phòng vệ thương mại hiện đang áp dụng đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thuơng mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Khóa tập huấn đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhìn nhận về cơ hội và thách thức mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện PVTM ở nước ngoài, đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

PV.

Đăng ngày: 18/08/2022 , 15:08 GMT+7

Tin liên quan