Một số quy định mới với hàng hóa nhập khẩu của Ấn Độ

Đăng ngày: 20/02/2023 , 22:33 GMT+7

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ vừa ban hành một số quy định mới với hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải hiểu và tuân thủ. Cụ thể, nước này vừa ban hành quy định mới về tính giá trị hải quan áp dụng từ ngày 11/2/2023 nhằm giải quyết vấn đề hàng nhập khẩu bị định giá thấp.

 

Quy tắc này sẽ xác định danh sách hàng hóa có thể không được khai báo trung thực hoặc chính xác về giá trị, giá nhập khẩu và nhà nhập khẩu sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ bổ sung về vấn đề này. Theo đó, Ủy ban Trung ương về thuế gián thu và hải quan sẽ sàng lọc và đưa những mặt hàng có nghi ngờ về giá trị nhập khẩu để chuyển qua một hội đồng xem xét và thẩm định (định giá lại) giá trị.

Hội đồng sẽ yêu cầu các bên liên quan như nhà xuất khẩu, nhập khẩu, đại lý hải quan cung cấp các tài liệu liên quan đến giá trị lô hàng, hội đồng sẽ xem xét và kết luận về việc lô hàng đó có khai báo trung thực hay không, nếu không hội đồng có thể ấn định mức giá trị nhất định để áp thuế.

Bên cạnh đó, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) đã công bố 3 tiêu chuẩn của Ấn Độ trong lĩnh vực điện tử.

Thứ nhất, tiêu chuẩn dành cho máy thu truyền hình kỹ thuật số có tích hợp bộ dò sóng vệ tinh.

Thứ hai, tiêu chuẩn Ấn Độ dành cho ổ cắm, phích cắm và cáp USB Type C. Tiêu chuẩn này cung cấp các yêu cầu đối với cổng, phích cắm và cáp USB Type-C để sử dụng trong các thiết bị điện tử khác nhau như điện thoại di động, máy tính xách tay, notebook...

Thứ ba, tiêu chuẩn cho hệ thống giám sát video sử dụng trong ứng dụng bảo mật, như các yêu cầu đối với thiết bị camera, giao diện, yêu cầu hệ thống và các thử nghiệm để xác định chất lượng hình ảnh của thiết bị camera và cũng chỉ định hướng dẫn về cách cài đặt hệ thống hiệu quả.

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ lần đầu đạt mức 15 tỷ USD trong năm 2022 đã đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam. Tuy nhiên, hai nước còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển do thị trường rộng lớn, cơ cấu hàng hóa hai nước có sự bổ sung cho nhau.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu tư với doanh nghiệp Ấn Độ, khai thác hiệu quả hơn các cơ hội đang đặt ra tại thị trường này, việc nghiên cứu, mở công ty, chi nhánh công ty, văn phòng đại diện tại Ấn Độ là một trong những hướng đi cần được các doanh nghiệp tính đến trong giai đoạn hiện nay.

PV.

 

Đăng ngày: 20/02/2023 , 22:02 GMT+7

Tin liên quan