Bắt tay vượt “bão giá” vật liệu xây dựng

Đăng ngày: 28/06/2022 , 21:44 GMT+7

Giá xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác tăng cao trong thời gian gần đây dù đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng cũng giúp thúc đẩy nhiều doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ hơn để bắt nhịp với thị trường.

 

Cũng như các ngành khác, ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và sản xuất xi măng nói riêng đã trải qua năm 2021 đầy thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, với thị trường xi măng, doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn kép là sức mua giảm và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Khó khăn kép của ngành vật liệu xây dựng

Dịch bệnh và tình trạng giãn cách xã hội kéo dài đã không những làm cho nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân sụt giảm mạnh mà còn khiến tiến độ thi công của hàng loạt dự án lớn phải đình trệ làm sức mua giảm sút. Theo trang thông tin điện tử Xi măng Việt Nam thuộc Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước trong năm 2019 đạt 65 triệu tấn nhưng đến năm ngoái 2021 đã giảm, chỉ còn hơn 62,7 triệu tấn.

Cùng với sức mua giảm, các doanh nghiệp sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng còn phải đương đầu với tình trạng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và các phụ gia để sản xuất xi măng tăng cao. Trong đó, than - nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng tăng cao, tính đến nay giá than nhập khẩu tăng gần 200%, và vẫn tiếp tục tăng trong giai đoạn hiện nay. Các nguyên liệu khác như thạch cao cũng tăng hơn 30%. Để bù đắp chi phí, một số nhà sản xuất đã có hai đợt tăng giá bán trong năm qua nhưng không thể tăng tương ứng với mức phụ trội của chi phí sản xuất.

Sản phẩm Xi măng Vicem Hà Tiên

Đến đầu năm nay, tuy sức mua đã có cải thiện, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt hơn 13,5 triệu tấn trong quí 1 nhưng chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng khiến các Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng còn nhiều khó khăn.

Một nhà sản xuất vật liệu xây dựng cho biết, giá than nhập khẩu và xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tính đến nay, giá than nhập khẩu về đến các nhà máy lên đến hơn sáu triệu đồng/tấn cộng thêm giá xăng liên tục tăng cao, vượt ngưỡng trên 30.000 đồng đã khiến các nhà sản xuất xi măng càng khó để đạt lợi nhuận dù đã có thêm một đợt tăng giá trong quí đầu của năm.

Về mặt vĩ mô, sự biến động giá nhiên - vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng không chỉ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này mà còn làm cho nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, dự án đầu tư công chậm tiến độ và chỉ số giá tiêu dùng tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 -2022 tiếp tục tăng với tác nhân chính là từ giá của nhóm vật liệu xây dựng. Cụ thể, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất. Trong đó, chỉ số giá của nhóm nhà ở và xây dựng, vốn chiếm 18,8% tỉ trọng trong rổ hàng hóa tính CPI là nguyên nhân chính khiến CPI tăng vọt, từ mức 1,7% trong tháng 3 lên 2,7%.

Theo Công ty chứng khoán Maybank Investment, nguyên nhân của sự tăng giá này là do chi phí đầu vào cao hơn. Giá khí đốt, thép và các nguyên liệu thô để sản xuất xi măng như xăng và than đá tăng mạnh, chủ yếu do xung đột Nga-Ukraine.

Vượt “bão” để tiến xa

Thị trường khó khăn khiến nhiều nhà sản xuất lao đao nhưng cũng đã thúc đẩy nhiều nơi đổi mới, bắt nhịp nhanh hơn với thị trường để cho ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng. Cùng với đó là thay đổi phương thức sản xuất để tiết kiệm chi phí và đi theo hướng thân thiện với môi trường để phát triển bền vững.

Như ở Công ty Cổ phần Xi Măng VICEM Hà Tiên, để đối mặt với bão giá nguyên vật liệu đầu vào, đồng thời bảo vệ tối ưu cho môi trường sống, Vicem Hà Tiên lập tức chuyển đổi nhanh qua hướng sản xuất xanh và tận dụng đốt rác thải của các ngành công nghiệp khác như: may mặc, giày da, chế biến nông sản… để thay thế dần cho nguyên liệu than đá. Trong năm 2021, tỉ lệ thay thế tại Nhà máy Bình Phước là 19-21%; tại Nhà máy Kiên Lương là 10-15%, mục tiêu thay thế trong năm nay là 25%. VICEM Hà Tiên cũng đã sử dụng 100% FOR (là sản phẩm tái chế của ngành cao su) để thay thế dầu DO truyền thống trong việc sấy lò tại các nhà máy xi măng.

Nhà máy sản xuất của Xi măng Vicem Hà Tiên.

Vicem Hà Tiên cũng đón đầu các xu thế mới của thị trường thế giới để cho ra các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách hàng nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ. Công ty hiện không chỉ đa dạng hóa sản phẩm xi măng như: xi măng Vicem Hà Tiên Đa Dụng, xi măng Vicem Hà Tiên Xây Tô, xi măng Vicem Hà Tiên Bền Sulfat, xi măng Vicem Hà Tiên PCB40, xi măng Vicem Hà Tiên PCB50-Thượng Hạng, mà còn linh hoạt trong quy cách đóng bao sản phẩm, từ loại bao jumbo 1,5 tấn đến loại bao 50kg và bao 40kg để bắt kịp thời xu hướng phát triển của Thế giới, tận dụng ưu thế của năm nhà máy/trạm nghiền trải dài từ Khánh Hòa đến Cà Mau để tiếp cận gần nhất, nhanh nhất với khách hàng.

Đứng trước cơn bão giá vật liệu xây dựng biến động liên tục và khó lường, VICEM Hà Tiên đã chủ động đưa ra các chương trình khuyến mãi trực tiếp dành cho người tiêu dùng, thông tin kịp thời tới khách hàng về các đợt điều chỉnh giá bán với biên độ phù hợp để các chủ đầu tư có thể chủ động đảm bảo tiến độ dự án. Thêm vào đó là sự hợp tác chặt chẽ hơn với các Công ty xây dựng lớn để có các chính sách ưu đãi dài hạn và đồng hành xuyên suốt dự án. Mới đây, VICEM Hà Tiên đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Xây dựng An Phong trong việc cung ứng, sử dụng các sản phẩm xi măng Vicem Hà Tiên trong toàn bộ các công trình của An Phong và cùng đồng hành xây dựng thương hiệu. Với những bước đi hợp tác chiến lược cùng các Công ty xây dựng lớn sẽ tạo ra cho Vicem Hà Tiên một thị trường rộng lớn và bền vững, cũng như hỗ trợ các Công ty xây dựng phần nào ổn định trước tình hình thị trường vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép đang liên tục biến động giá như hiện nay.

Cùng các bước chuyển mình thích hợp và kịp thời, Vicem Hà Tiên tự tin đạt được các mục tiêu tài chính đã đặt ra cho năm 2022, và tiếp tục giữ vững vị thế là Thương hiệu xi măng lớn, dẫn đầu thị trường xi măng Việt Nam.

PV.

Đăng ngày: 28/06/2022 , 21:06 GMT+7

Tin liên quan