Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Trước nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn tăng cao, xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trong những tháng tới, đặc biệt với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như EU, Trung Quốc, Bangladesh, Iran...
Cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) hay tiềm năng xuất khẩu gạo trong khu vực ASEAN được dự báo tiếp tục mở đường cho gạo Việt Nam. Từ khâu sản xuất, nhiều doanh nghiệp, vùng sản xuất đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng nguồn lúa gạo chất lượng cao, bền vững cho xuất khẩu.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Nhờ những ưu đãi về thuế quan, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu (EU) được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực. Thống kê cho thấy xuất khẩu gạo sang EU trong 4 tháng đầu năm nay đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD.
Với mức giá cạnh tranh, chất lượng gạo ngày càng được cải thiện và những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Vì thế, việc tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong quý 1/2022 với 42,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 672.142 tấn với 311,08 triệu USD, tăng 63,8% về khối lượng và tăng 41,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài thị trường chủ lực là Philippines trong ASEAN, gạo Việt Nam cũng được xuất khẩu mạnh sang các thị trường quan trọng khác như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei...
Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang ASEAN, ngành gạo nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm… để có kế hoạch kinh doanh, xúc tiến thương mại và xuất khẩu hiệu quả nhất.
Xác định gạo chất lượng cao, gạo thơm là con đường để nâng cao giá trị hạt gạo cũng như chinh phục các thị trường nên tỷ lệ gieo trồng giống lúa thơm, lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo.
Nhóm lúa thơm, đặc sản như Jasmine 85, ST, RVT, Tài nguyên và Nàng Hoa 9… chiếm tỷ lệ trên 33% tổng diện tích gieo cấy của Đồng bằng sông Cửu Long; nhóm lúa chất lượng cao như OM5451, Đài thơm 8, Hương Châu 6, OM18, OM9577, OM9582, OM4900, OM7347, OM6976...): chiếm tỷ lệ gần 50%. Nhóm lúa chất lượng trung bình còn trên 7%.
Nhằm nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đạt hơn 250 triệu đồng/ha vào năm 2025, riêng về lúa gạo, tỉnh Sóc Trăng đưa ra mục tiêu sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 80% sản lượng lúa của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, Sóc Trăng đã đề ra kế hoạch phát triển thương hiệu và nâng cấp chuỗi giá trị lúa-gạo đặc sản của tỉnh.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung các giống lúa đặc sản nhóm ST (ST24, ST25),lúa Tài nguyên mùa, thơm nhẹ theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.
Công nhân Tập đoàn Lộc Trời đóng gạo xuất khẩu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Tỉnh Sóc Trăng cũng đã quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, củng cố và xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo hướng an toàn.
Năm 2021, Sóc Trăng có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 61.922 ha, tăng 68% so với năm trước đó. Mặc dù có ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn một năm qua nhưng lợi nhuận bình quân trong năm 2021 của nông dân Sóc Trăng vẫn đạt từ 8,6 đến 26,3 triệu đồng/ha.
Nền tảng trên sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất theo hướng bền vững, phân phối lợi ích hài hòa các bên tham gia liên kết, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng cho biết.
Tại Trà Vinh, tỉnh thực hiện liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ trên 1.650ha lúa chất lượng cao và lúa đạt các tiêu chuẩn lúa hữu cơ quốc tế như EU, USDA, JAS.
Với hướng phát triển sản phẩm hữu cơ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Du lịch Minh Trung và Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại dịch vụ Châu Hưng ký kết hỗ trợ đầu tư và bao tiêu 348ha lúa hữu cơ. Đối với lúa chất lượng cao, từ 300ha lúa vụ Đông Xuân 2021-2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục liên kết hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích 1.000ha vào vụ lúa Hè Thu năm 2022.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, tỉnh định hướng đến năm 2025 sẽ ổn định diện tích trồng lúa mỗi năm 200.000ha. Đặc biệt, tỉnh quy hoạch phát triển vùng lúa hữu cơ đạt 2.000-3.500ha; vùng sản xuất lúa sạch đạt diện tích 20.000-30.000ha. Bên cạnh đó, việc trồng lúa được tỉnh khuyến khích áp dụng các quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP),theo hướng tiết kiệm nước, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết với các tổ chức nông dân sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị, Tập đoàn Tân Long đã đưa vào hoạt động Nhà máy gạo Hạnh Phúc lớn nhất châu Á có công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Với hệ thống tiếp nhận, làm sạch và sấy, hệ thống silo chứa lúa… được nhập khẩu và theo tiêu chuẩn EU sẽ giúp đảm bảo hương vị và chất lượng lúa gạo.
Phục vụ nhu cầu nhà máy, Tập đoàn liên kết tổ chức bao tiêu với các hợp tác xã tại An Giang trên diện tích 30.000ha và mở rộng quy mô sang các địa phương lân cận trong những năm tiếp theo; đặc biệt chú trọng vào phát triển các dòng lúa chất lượng cao phục vụ cho cả nhu cầu xuất khẩu và trong nước như Japonica, Jasmine, Đài thơm, ST21, ST24, ST25...
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10-20%./.