Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.
Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2022, diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; trong đó, tôm sú 625.000 ha, tôm thẻ 125.000 ha; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD (tăng 2,56% so với năm 2021). Đối với nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 200.000 - 210.000, tôm sú 60.000 con; tôm giống khoảng 140 - 150 tỷ con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con.
Năm 2022, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt 4 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần nhận diện khó khăn, tồn tại, phân tích những thách thức, Bộ sẽ ghi nhận đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý nâng cao chất lượng tôm giống; giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, giải pháp công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh... để ngành tôm hướng tới phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù năm 2021, ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó có ngành tôm phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt ảnh hưởng đại dịch COVID-19 để lại nhiều thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trong cả nước; tuy nhiên ngành tôm vẫn đạt kết quả khá tốt. Sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ năm 2020. Riêng tôm nước lợ đạt 930.000 tấn. Với kết quả đạt được như vậy, nếu nhìn lại diện tích và sản lượng thì vẫn còn có những hạn chế.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngoài khó khăn của đại dịch COVID-19, thì hạ tầng nông nghiệp nói chung và hạ tầng nông thôn nói riêng còn lạc hậu, yếu kém, ngoài ra còn vấn đề ô nhiễm môi trường, thú y và con giống.
Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu như chúng ta không có bước giải quyết một cách căn cơ, kể cả trước mắt và lâu dài, trong khi nuôi công nghệ cao chỉ đạt trên dưới 10%, còn chủ yếu là nuôi ao đất. kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học mà cứ như thế này, mà để giải quyết từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh thì chắc chắn rất nhiều khó khăn, thách thức. Về con giống, mặc dù Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tổ chức thanh tra kiểm tra đột xuất theo kế hoạch, nhưng vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc còn là bài toán. Vấn đề thú y cũng vậy, vẫn còn đang rất nan giải.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19, tình hình sản xuất và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng trong năm qua đạt được kết quả khá nổi bật. Tổng diện tích thả nuôi của tỉnh đạt trên 76.700ha, tổng sản lượng thủy sản đạt 339 nghìn tấn; trong đó, sản lượng nuôi thủy sản đạt gần 271 nghìn tấn. Riêng về nuôi tôm nước lợ năm 2021, toàn tỉnh Sóc Trăng thả nuôi 53.000 ha, sản lượng đạt 189 nghìn tấn.
Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng, đến nay, diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh ở Sóc Trăng đang được mở rộng và tăng lên, chiếm 93,7%, trong đó, nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao chiếm 9%, với khoảng hơn 4.000 ha. Hiện Sóc Trăng có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, người dân và nhất là các tổ chức tín dụng đầu tư để chuyển đổi từ ao đất sang ao bạt, để quản lý được môi trường cũng như là đảm bảo cái hạn chế rủi ro.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, đã góp phần cho các doanh nghiệp của tỉnh thu mua, chế biến, xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm qua là gần 1,3 tỷ USD, trong đó, riêng tôm nước lợ đạt trên 1 tỷ USD. Ông Nam nhấn mạnh, để thúc đẩy và phát triển ngành nuôi tôm của tỉnh, giải pháp tín dụng để đầu tư cho nuôi tôm nước lợ được tỉnh rất quan tâm, nhằm đưa ngành tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển bền vững, góp phần tăng năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Quang cảnh Hội nghị.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu của các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, ngành nông nghiệp các tỉnh có phong trào nuôi thủy sản mạnh của cả nước đã có nhiều tham luận đóng góp, đề xuất kiến nghị để hướng tới việc nuôi tôm có hiệu quả, ngành tôm phát triển bền vững. Các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp như tập trung tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm; Xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện COVID-19, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh, thị trường.
Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; Tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản...
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, ngành, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và sự đồng lòng, chung tay, chia sẻ khó khăn của người dân, doanh nghiệp dẫn đến ngành tôm năm 2021 vẫn đạt kết quả tốt. Cụ thể, sản lượng tôm nuôi năm 2021 các loại đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2020. Xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so năm 2020; trong đó 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD.