Đổi mới, quyết liệt, hiệu quả hơn trong hành động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Đăng ngày: 14/08/2022 , 16:31 GMT+7

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 11/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Làm tốt công tác nghiệp vụ, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Những tháng cuối năm 2022, dự báo tình hình thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, nhất là ở một số nước là đối tác quan trọng của Việt Nam, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia tiếp tục diễn ra gay gắt. Đối với Việt Nam, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, nhưng bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì tác động của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai,… tiếp tục diễn biến phức tạp; các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng,… là thách thức lớn đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đòi hỏi công tác này phải đổi mới, quyết liệt, hiệu quả hơn trong hành động.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các lực lượng chức năng

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới và các Chương trình, Kế hoạch Ban Chỉ đạo đã ban hành; các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nêu tại báo cáo; nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2022; trong đó chú trọng những nội dung chủ yếu sau:

Thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong công tác này; đồng thời, cần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế,..), xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.

Chủ động đánh giá thực trạng, tình hình kết quả, nhận diện, chỉ rõ những vấn đề nổi cộm, phức tạp về đối tượng, tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, phương thức thủ đoạn mới về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kịp thời tham mưu đề xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, điều tra xác minh, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng, chủ mưu cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng cục bộ để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các cấp, của các lực lượng chức năng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng Nhân dân theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất

Làm tốt công tác nghiệp vụ, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, dược liệu, xăng dầu, khoáng sản, đường cát, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chia sẻ thông tin, phối hợp lực lượng giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa…

Đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động Nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý…

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch chống buôn lậu qua đường hàng không, đường bộ; rà soát chế độ báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đề xuất sửa đổi những nội dung còn bất cập, hình thức; chủ động nắm tình hình, theo dõi, đôn đốc các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban.

Bên cạnh đó, tổng hợp ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Hội nghị, báo cáo Trưởng ban xem xét, chỉ đạo xử lý; trong đó, cần tham mưu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính, xử lý tang vật vi phạm, công tác giám định và định giá tài sản vi phạm…; đồng thời, đôn đốc các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc xây dựng văn bản quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 25/10/2021 của Văn phòng Chính phủ)./.

PV.

Đăng ngày: 14/08/2022 , 16:08 GMT+7

Tin liên quan