Thái Lan đẩy mạnh hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp

Đăng ngày: 16/03/2021 , 09:40 GMT+7
Những tháng đầu năm 2021, Thái Lan đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của nước này.

Sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng - thế mạnh của ngành nông nghiệp Thái Lan

Tăng 3,8 tỷ Bạt cho gói bảo hiểm lúa gạo

Tháng 01 năm 2021, Thái Lan chỉ xuất khẩu 421.477 tấn gạo, đạt giá trị 7,8 tỷ Bạt, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2020. Các yếu tố chính khiến xuất khẩu gạo giảm là do thiếu container vận chuyển và cước vận tải biển tăng. Giá gạo Thái Lan cũng cao hơn so với gạo các nước xuất khẩu khác, khiến người tiêu dùng tìm mua gạo từ các nguồn rẻ hơn.

Để hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, Nội các Thái Lan đã đồng ý tăng số tiền tiền bảo hiểm lúa gạo mùa vụ 2020/21 trị giá 3,8 tỷ bạt theo đề xuất của Bộ Thương mại, qua đó nâng tổng ngân sách của chương trình bảo hiểm lúa gạo cho nông dân trồng lúa lên đến 50,6 tỷ bạt. Đồng thời, thông qua tăng mức tín dụng để trì hoãn việc bán thóc gạo cho mùa vụ 2020/21 thêm 4,5 tỷ bạt, đưa tổng mức tín dụng lên 24,3 tỷ bạt và gia hạn hợp đồng vay đến ngày 31/3/2021.

Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan hỗ trợ nông dân trồng cọ

Ngày 09/2/2021, Nội các Thái Lan đã phê duyệt triển khai chương trình bảo hiểm thu nhập cho nông dân trồng cọ mùa vụ năm 2021 bằng cách phân bổ một khoản ngân sách trị giá 4,6 tỷ bạt để hỗ trợ cho nông dân trồng cọ bị ảnh hưởng từ việc cung vượt quá cầu dẫn đến giá thấp. Theo đó, Thái Lan đưa ra mức giá mục tiêu là 4 bạt/kg để người trồng có thu nhập từ việc bán cọ (tỷ lệ dầu 18%).

Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp sẽ bù đắp phần chênh lệch giữa giá mục tiêu và giá thị trường cơ bản. Tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản tiền gửi của nông dân 30 ngày một lần hoặc trong khung thời gian do Tiểu ban Chương trình Bảo hiểm Thu nhập của Nông dân trồng cọ dầu quy định. Khoảng 370.000 nông dân trồng cọ được hưởng lợi từ chương trình này.

Bộ Thương mại Thái Lan xúc tiến tiêu thụ trái cây

Ngày 25/3/2021, Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Thương mại Thái Lan sẽ triển khai chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến đối với các sản phẩm trái cây tươi và trái cây đã qua chế biến. Trong việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp chất lượng theo tầm nhìn "nông nghiệp, sản xuất, thương mại, thị trường", Thái Lan sử dụng chiến lược sản xuất dẫn đầu thị trường để đẩy nhanh việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm trái cây như sầu riêng, măng cụt, măng cụt, măng cụt, nhãn, dừa...

Đối với hình thức tổ chức hoạt động xúc tiến trực tuyến, Bộ Thương mại tổ chức đàm phán khớp lệnh giao dịch trực tuyến giữa người mua, nhà nhập khẩu, nhà phân phối các sản phẩm mục tiêu từ nước ngoài như Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, Hoa Kỳ… Cơ quan Thương vụ tại thị trường mục tiêu sẽ chịu trách nhiệm điều phối giá đàm phán thương mại và hoạt động này dự kiến mang lại doanh thu 1,8 tỷ Bạt. Bên cạnh đó, kết quả đàm phán có thể giúp mang lại các hợp đồng giao nhận sản phẩm tại hội chợ trái cây hàng năm ở tỉnh Chanthaburi được tổ chức từ ngày 8/4 đến ngày 12/4/2021 nhằm tăng cường kênh tiêu thụ trái cây cả tươi và chế biến.

Thái Lan tăng cường quảng bá trái cây qua kênh thương mại điện tử

Đài Truyền hình và Phát thanh Quân đội Hoàng gia Thái Lan (TV5) đang tiến hành làm việc với kênh thương mại điện tử JD.com nhằm quảng bá trái cây trên nền tảng này với mục tiêu hỗ trợ thu nhập người nông dân và kinh tế đất nước. Việc hợp tác được kỳ vọng sẽ bắt đầu trong tháng 03/2021 và quyết định sản phẩm nào sẽ được xuất khẩu đầu tiên bao gồm sầu riêng, gạo hương hoặc các sản phẩm khác.

Dự kiến khoảng 50,000 tấn trái cây sẽ được bán trên trang JD.com và sẽ được kết hợp quảng bá trên hệ thống mạng xã hội bao gồm Line, Facebook, Live, trung tâm mua sắm và tổng đài liên kết với trang JD.com. Thời gian vận chuyển dự kiến trong 02 ngày bằng đường không, đối với cả mặt hàng bán sỉ và lẻ. Về phía TV5, cơ quan này sẽ nhận phí giao dịch ở mức 10% từ doanh nghiệp xuất khẩu.

PV

Đăng ngày: 16/03/2021 , 09:03 GMT+7

Tin liên quan