Khai thác tối đa các FTA để thúc đẩy xuất khẩu

Đăng ngày: 28/10/2021 , 09:15 GMT+7

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, với các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, các chính sách điều hành hiệu quả của Chính phủ và các Bộ, ngành, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến duy trì mức tăng trưởng cao

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng trước đó nên tính chung 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2%; nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8%.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,94 tỷ USD, giảm 9,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,26 tỷ USD, giảm 4,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 5,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 13,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 1,9%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%.

Trong 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1% gồm: (1) Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; (2) Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 12,8%; (3) Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỷ USD, tăng 49,9%; (4) Hàng dệt may đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,7%; (5) Giày dép đạt 12,6 tỷ USD, tăng 16,2%; (6) Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%.

Về xuất khẩu các nhóm hàng, trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái với nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 1,996 tỷ USD, giảm 11,2%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 231 triệu USD, giảm 33,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,06 tỷ USD, giảm 3,3%. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản tháng 08/2021 giảm 19,2% so với tháng 7/2021 và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 17,87 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong nhóm hàng này, gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất khi giảm tới 14,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu chè 8 tháng cũng giảm 6% về lượng và 1,6% về trị giá so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê và hạt tiêu giảm về lượng nhưng vẫn tăng về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, hạt điều, sắn và sản phẩm sắn, cao su là 3 mặt hàng duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản tháng 8/2021 giảm 32,4% so với tháng 7/2021 và giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, nhóm hàng này đã có mức tăng trưởng dương với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, tăng nhẹ 4,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 1,03% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng này ghi nhận sự tăng trưởng cao ở mặt hàng than đá và xăng dầu các loại với mức tăng lần lượt là 114,2% và 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mặt hàng dầu thô xuất khẩu giảm 14,1% và quặng và khoáng sản khác giảm 10,1%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biếntrong tháng 8/2021 giảm 3% so với tháng 7/2021 và giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn duy trì mức tăng trưởng cao 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 182,93 tỷ USD, chiếm 86,06% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong nhóm này biến động trái chiều trong tháng 8/2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại đạt cao nhất với 5,9 tỷ USD trong tháng 8/2021, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác cũng tăng 12,6%, đạt 3 tỷ USD; đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại tăng tới 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, nhiều mặt hàng có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 12%, hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,9%, giày dép các loại giảm 38,5%...

Mặc dù giảm trong tháng 8 nhưng tính chung trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chính của nhóm này đều tăng như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 13%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 12,8%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 49,9%; hàng dệt và may mặc tăng 9,7%; giày dép các loại tăng 16,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 41,9%...

Về thị trường xuất khẩu, trong8 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,1 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,6%. Thị trường EU đạt 25,98 tỷ USD, tăng 14,1%. Thị trường ASEAN đạt 18,3 tỷ USD, tăng 22,4%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,7%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,5%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 76,05 tỷ USD, tăng 29,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỷ USD, tăng 36,4%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD).

Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới phục hồi trở lại

Có thể thấy, trong thời gian qua dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi trải rộng đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước. Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa đã và đang được tập trung tháo gỡ quyết liệt; tuy nhiên công tác tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất. Các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ tháng 7 đến nay. Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn quốc.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.

Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA

Bên cạnh những cơ hội từ thị trường thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, một số địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn. Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến"… Việc lao động về quê tránh dịch cũng dẫn đến nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử… Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Do đó, từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Bộ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2021 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.  Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu. Trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và Châu âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm.

Khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu ngay sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường Nam Á, Đông Á bên cạnh duy trì xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đẩy mạnh hoạt động đàm phán để phát triển các thị trường khu vực xa hơn, yêu cầu cao hơn như các thị trường thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển như các thị trường Đông Âu, Bắc Âu, Mỹ La tinh…

Đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Tận dụng tối đa cơ hội của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ cũng tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ, kết nối,vận chuyển, bốc xếp, bảo quản hàng hóa nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi để tạo thuận lợi và tăng hiệu quả xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp tháng 9 và 9 tháng năm 2021

Sản xuất công nghiệp 9 tháng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn như tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và các tỉnh, thành phía Nam… phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Sản lượng hàng hóa giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Kết quả, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 ước tính tăng 5% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 4,1%, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,8%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,4%.

Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 28,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%; sản xuất trang phục tăng 4,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sản xuất đồ uống giảm 4,2%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 2,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 1,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,1%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước: Phân DAP tăng 56,5%; Thép cán tăng 43,3%; Ô tô tăng 18,6%; Quặng Apatit tăng 15,5%; sắt thép thô tăng 12,4%; xăng dầu các loại tăng 16,1%; khí hóa lỏng tăng 15,7%; Sữa bột tăng 10,3%; Phân NPK tăng 9,2%; điện thoại di động tăng 8,2%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: ti vi giảm 35,9%; khí thiên nhiên giảm 17,6%; động cơ diezen giảm 19,6%; bia các loại giảm 8,7%; dầu thô khai thác giảm 4,8%; thuốc lá báo các loại giảm 3,1%.

Nhưng với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có tác dùng, sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có dấu hiệu khởi sắc. Từ tháng 10/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, sản xuất công nghiệp trong quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III, góp phần vào thực hiện mục tiêu năm 2021./.

Nguồn: Bộ Công Thương

Tạp chí Doang nghiệp và Thương mại – Số 9+10/2021

Đăng ngày: 28/10/2021 , 09:10 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác