Kinh doanh trách nhiệm – Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới

Đăng ngày: 15/12/2021 , 15:44 GMT+7

Ngày 15/12, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm “Kinh doanh trách nhiệm – Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”.

Phát biểu tại Tọa đàm, Ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD cho biết, thế giới đang đối mặt với nhiều mối nguy lớn từ việc cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoảng cách – giàu nghèo, ô nhiễm môi trường,… Trong bối cảnh đó, phương án tối ưu nhất để giải quyết những bất ổn này là thực hành sản xuất, tiêu dùng bền vững, tức sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại, đồng thời hạn chế phát thải các chất ô nhiễm trong suốt vòng đời của sản phẩm với mục tiêu không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai.

Ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương

Ông Bách cũng cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã quy định một số nội dung liên quan đến sản xuất, tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi các quy định này còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc người tiêu dùng chưa có đủ thông tin và điều kiện về kinh tế để lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ bền vững. Trong thời gian sắp tới, với nhiệm vụ được giao là cơ quan chủ trì xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu để đưa vào Dự thảo Luật một số quy định nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Trao đổi về kinh nghiệm quốc tế, Bà Phạm Quế Anh, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết, trong một khảo sát do GIZ hỗ trợ Ủy ban về Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN thực hiện, kết quả cho thấy người tiêu dùng Việt Nam cũng như toàn ASEAN có mức độ trao quyền ở mức trung bình thấp, đặc biệt, về mặt kỹ năng, người tiêu dùng ASEAN còn yếu về việc thực hành kỹ năng tiêu dùng bền vững. Để khắc phục vấn đề này, chính phủ các nước ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình, hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, hợp tác và tài trợ cho các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng để họ thực hiện các chương trình cộng đồng về tiêu dùng bền vững, trên cơ sở nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế phù hợp.

Bà Phạm Quế Anh – Chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ)

Đại diện cho doanh nghiệp tham gia Tọa đàm, ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc của Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM (Saigon Co.opmart) cho rằng, sản xuất bền vững và tiêu dùng bền vững luôn là chủ trương và định hướng của doanh nghiệp trong thời gian qua và sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai. Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bền vững tại doanh nghiệp, ông Liêm cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước trong công tác tuyên truyền sản xuất – tiêu thụ sản phẩm bền vững nhằm khuyến khích doanh nghiệp cũng như có được sự phối hợp từ người tiêu dùng.

Ông  Lê Văn Liêm, GĐ khu vực Miền Bắc, Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM (Saigon Coopmart)

Chương trình ghi nhận số lượng lớn người xem và tương tác trên nền tảng mạng xã hội, cho thấy đây là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều này cho thấy, trong thời gian tới, chủ đề kinh doanh trách nhiệm – tiêu dùng bền vững cần được chú trọng đầu tư và phát triển hơn nữa từ các bộ, ban, ngành liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động này nói riêng và xa hơn nữa là đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Nguồn: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Đăng ngày: 15/12/2021 , 15:12 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác