Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng với thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho công tác xử lý

Đăng ngày: 19/02/2021 , 10:31 GMT+7

Tình trạng vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua có xu hướng gia tăng và thủ đoạn tinh vi. Ngoài việc làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, triệt tiêu sáng tạo của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu trên thị trường. 

Thông qua kiểm tra, phát hiện và xử lý, lực lượng chức năng của Bộ Công Thương đã chỉ ra, nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử - điện máy, hàng tiêu dùng...

 

Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề,… Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

 

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 334/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020; đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để xây dựng, triển khai các phương án kế hoạch trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan như Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế; Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Cục Xuất bản, in và phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; các đơn vị thuộc Bộ Công an… tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần ngăn chặn giảm thiểu các đối tượng công khai sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

 

Một số kết quả nổi bật thời gian gần đây đã được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ghi nhận biểu dương đó là: “đã tấn công được vào những điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa xử lý được như 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội (chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên) và tại TPHCM (chợ Bến Thành, Sài Gòn square); kiểm tra xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang…”.

 

Mặc dù lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng trước diễn biến phức tạp trên thị trường. Công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập và khó khăn như: Phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi: các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, đầu mối chuyên cung cấp các loại bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ;... Tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguồn gốc nước ngoài, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở trí tuệ thông qua mạng internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp.

 

Đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, trà trộn với các khu dân cư, các làng nghề, vùng nông thôn, xuất hiện ngay cả tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã, thông qua internet (cá nhân, hộ gia đình)... nên rất khó phát hiện; các đối tượng vi phạm trong nước móc nối với các đối tượng ở nước ngoài để làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đưa vào Việt Nam.. Nguồn kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực của Quản lý thị trường phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế; kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo,…

 

Dự báo trong thời gian tới tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các mặt hàng quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử - điện máy, hàng tiêu dùng...

 

Để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Bộ Công Thương xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ; chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng hàng giả các thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...;

 

Rà soát, phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử, nhất là đối với các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện hoặc nhóm mặt hàng xuất hiện nhiều hàng giả hàng nhái được kinh doanh qua mạng như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, quần áo, túi xách, đồng hồ…

    

Đăng ngày: 19/02/2021 , 10:02 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác