Xuất khẩu hàng hóa sang Israel tăng mạnh

Đăng ngày: 01/05/2021 , 08:42 GMT+7

Tin từ Thương vụ Việt Nam tại Israel, trong tháng 3/2021, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 157,93 triệu USD. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Israel tăng mạnh tới 50,2% so với tháng 2 trước đó và đạt 75,69 triệu USD, trong khi nhập khẩu tăng 21,4% và đạt 82,24 triệu USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: Israel.travel

Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông

Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 408,99 triệu USD; trong đó xuất khẩu đạt 208,04 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, và nhập khẩu đạt 200,95, giảm 3,5% so với với cùng kỳ năm 2020. Xuất siêu trong 3 tháng đầu năm nay đạt 7,09 triệu USD.

Mặc dù quy mô dân số chỉ khoảng 9,3 triệu người và dung lượng thị trường không lớn, nhưng hiện tại Israel là thị xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Ước tính, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt khoảng 290 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt khoảng 260 triệu USD.

Trong tháng 3/2021, trong khi mặt hàng cà phê tăng mạnh tới 375,7%, điện thoại các loại và linh kiện tăng cao 59,8% và giày dép các loại tăng nhẹ 3,3%; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác đều giảm chút ít. Tính chung, trong 3 tháng đầu năm 2021, mặt hàng giày dép các loại tăng cao 40,3%, hạt điều tăng 8,4%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 5,1%; trong khi đó, các mặt hàng khác giảm nhẹ như thủy sản giảm 0,7%, dệt may giảm 0,8%, cà phê giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng về nhóm mặt hàng thủy hải sản, trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 8,59 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,69% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel là một trong 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam (tính đến giữa tháng 3/2021, đứng thứ 3, sau Mỹ và Italy, đối với cá ngừ mã HS 03; và đứng thứ 2, sau Mỹ, đối với cá ngừ mã HS 16).

Số liệu thống kê tính đến giữa tháng 3/2021 cho thấy mặt hàng tôm đông lạnh đạt 2,11 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,43% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; mặt hàng mực đông lạnh đạt 507.409 USD, chiếm tỷ trọng 0,57% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; mặt hàng cá tra đạt 719.653 USD, chiếm tỷ trọng 0,27% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Mặt hàng tôm và mực đông lạnh tiếp tục có chỗ đứng ổn định trên thị trường và được người tiêu dùng Israel đánh giá cao.

Hiện tại, Israel là thị trường xuất khẩu thủy hải sản đứng thứ 23 trong số trên 100 thị trường Việt Nam đã có xuất khẩu thủy sản sang đó. Ngoài ra, mặt hàng gạo thơm, hạt dài, loại 5% tấm, đóng bao 5kg; các loại thực phẩm khô như bánh tráng cuốn, bánh đa nem, phồng tôm.... tiếp tục xâm nhập và được phân phối trên thị trường Israel.

Một số doanh nghiệp Israel tiếp tục quan tâm tới mặt hàng lương thực thực phẩm đóng hộp, nông sản các loại, rau củ quả sấy khô, trái cây đóng hộp (dứa thái lát đông lạnh, ...),nước giải khát, hàng dệt may, găng tay y tế, bao bì các loại, vật liệu xây dựng và đang giao dịch với các công ty Việt Nam để có thể ký kết hợp đồng trong thời gian tới.

Về nhập khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 39,4%; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu khác đều giảm, như phân bón các loại giảm 24,7%, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện giảm 5,8% và mặt hàng rau củ quả giảm 5,2%.

Nhiều doanh nghiệp Israel quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam

Một số tổ chức liên quan và doanh nghiệp Israel quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, tự động kiểm soát theo dõi các phương tiện giao thông hoạt động trên đường cao tốc và trong nội đô thành phố, công nghệ sản xuất năng lượng sạch, công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, chế tác trang sức, dịch chuyển đầu tư và các chuỗi hoạt động sản xuất sang Việt Nam.....

Trong 04 tháng đầu năm 2021, mặc dù Israel đã mở cửa trở lại nền kinh tế, hoạt động thương mại quốc tế đã bước đầu có sự khởi sắc, nhưng tình hình thị trường vẫn còn nhiều biến động và khó khăn (tình hình an ninh chính trị nhạy cảm, các vụ xung đột bạo động xảy ra, căng thẳng giao tranh tại các khu vực biên giới, Israel kết thúc đợt phong tỏa đất nước lần thứ 3, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, Israel vừa tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 23/3/2021 và và cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thành lập xong chính phủ mới...). Tuy vậy, nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Israel vẫn tiếp tục quan tâm tới giao dịch, kinh doanh với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Israel bày tỏ mong muốn vào Việt Nam trực tiếp gặp gỡ đối tác, nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, gạo, đồ khô (bánh tráng cuối, bánh đa nem, phồng tôm...),hàng tiêu dùng (dệt may, giày dép....),nông-thủy-hải sản các loại, rau củ quả sấy khô, trái cây đóng hộp, nước giải khát, hàng gia dụng, thiết bị y tế, găng tay các loại, bao bì các loại, vật liệu xây dựng.... từ Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp, nhất là đối với nhóm hàng tiêu dùng, quan trọng tại Châu Á để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.

PV.

Đăng ngày: 01/05/2021 , 08:05 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác