Lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành mía đường

Đăng ngày: 21/11/2021 , 08:14 GMT+7

Sau khi lao dốc vì đường nhập lậu, ngành mía đường đang dần phục hồi. Tuy nhiên, để phát triển bền vững cần có nhiều thay đổi từ người dân, doanh nghiệp và những chính sách liên quan.

Đóng gói đường tại Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương. Ảnh: TTXVN.

Diện tích trồng mía và nhà máy mía đường giảm mạnh

TS Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường cho biết, trong 3 niên vụ gần đây, diện tích mía liên tiếp giảm, từ hơn 190.000 ha niên vụ 2018 - 2019 xuống còn gần 129.000 ha niên vụ 2020 - 2021. Đặc biệt, số lượng nhà máy sản xuất đường chỉ còn 24/41 nhà máy, đã có 17 nhà máy phá sản (chủ yếu tại Nam Trung Bộ).

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết, trước năm 2010, mía là cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương do thích nghi thổ nhưỡng. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, diện tích mía giảm hơn 15.000 ha xuống còn hơn 5.000 ha năm 2020. Tỉnh hiện chỉ có Nhà máy Phụng Hiệp đang hoạt động, nhưng chỉ sản xuất duy nhất mặt hàng đường, chưa sử dụng các phụ phẩm từ mía để chế biến. Ngoài ra, đường nhập lậu đang gây nhiều khó khăn cho ngành mía đường địa phương…

Tại nhiều địa phương khác, ngành mía đường đang gặp khó khăn tương tự, do giá mía xuống thấp, nông dân không còn sức tái đầu tư. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, ngoài yếu tố hạn hán, bão lụt làm giảm diện tích, năng suất, chất lượng mía, giá đường xuống thấp do cạnh tranh với đường nhập giá rẻ… khiến nông dân không “mặn mà” mở rộng thêm diện tích trồng.

Lập lại môi trường cạnh tranh công bằng

Theo ông Cao Anh Đương, niên vụ 2021 - 2022 dự báo sẽ là năm khởi sắc của ngành mía đường sau khi Bộ Công Thương có quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm. Trong khi đó, cân đối cung cầu đường thế giới dự báo sẽ thiếu hụt gần 2,7 triệu tấn đường, khiến cho giá đường thế giới tăng. Để phục hồi, các địa phương cần tập trung khâu trồng mới đúng kỹ thuật, cơ giới hóa canh tác mía và ứng dụng máy móc, công nghệ trong sản xuất, thu hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Côngty CP Thành Thành Công (Biên Hòa) cho rằng, cần giải quyết đồng bộ, căn cơ từ bài toán nguyên liệu đầu vào đến phát triển sản phẩm đồng hành bổ sung cho sản phẩm đường. Doanh nghiệp đang tăng thêm diện tích trồng, ký hợp đồng trực tiếp lâu dài với nông dân. Để phát triển bền vững cần chuyển dần sang canh tác xanh, sản phẩm hữu cơ có giá trị cao. Đặc biệt, cần các cơ quan chức năng chung tay chống buôn lậu, điều tiết bổ sung nguồn nguyên liệu thiếu hụt, điều chỉnh kịp thời chính sách liên quan…

Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN, gia nhập ASEAN, chỉ còn 2 - 3 mặt hàng được bảo hộ, trong đó có mặt hàng đường. Đến nay, hạn ngạch nhập khẩu đường vẫn chỉ ở mức chỉ trên 100.000 tấn, chưa đầy 5% trong tổng sản lượng tiêu thụ cả nước.

Việt Nam đã xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2020, ngay sau đó, đường giá rẻ Thái Lan tràn vào thị trường, Bộ Công Thương phải khởi động điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Đến tháng 2/2021, Bộ quyết định đánh thuế tạm thời và đến tháng 6/2021 đánh thuế chính thức ở mức 47,64%. Đến tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã khởi động điều tra chống lẩn tránh với đường Thái Lan đi qua các nước ASEAN vào Việt Nam. Sắp tới sẽ đánh giá dữ liệu và đưa ra quyết định đúng pháp luật.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, quan điểm của Bộ Công Thương là lập lại trật tự kinh doanh công bằng trên thị trường mía đường với 4 nhóm lợi ích hợp pháp là lợi ích của người dân trồng mía; lợi ích của các nhà máy đường; lợi ích của hàng vạn cơ sở sản xuất thực phẩm và thực phẩm chế biến đang sử dụng đường và lợi ích của hơn 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Vì vậy, Bộ đề nghị tách bạch ngành mía với ngành đường, để ngành đường tránh đổ lỗi cho đường nhập lậu, đổ lỗi cho hội nhập và tạo điều kiện cho các địa phương phát triển đúng hướng.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành niên vụ mía 2020 - 2021. Toàn ngành đã ép được 6.739.417 tấn mía, đạt sản lượng 689.830 tấn đường, thấp hơn niên vụ 2019 - 2020. Niên vụ 2020 - 2021, mặc dù giá mía nguyên liệu tăng khoảng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/tấn so với niên vụ trước, nhưng vẫn là năm khó khăn của ngành mía đường Việt Nam.

(Theo baotin tuc)

Đăng ngày: 21/11/2021 , 08:11 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác