Quý I, xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng gấp 3 lần

Đăng ngày: 31/03/2022 , 16:54 GMT+7

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quý I/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 6,3% so với quý I/2021; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 9,8 tỷ USD, giảm 3,5%.

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh TTXVN

Trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu ước trên 4,7 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 3/2021, tăng 47,1% so với tháng 2/2022; trong đó giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính khoảng 2 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 4,3 tỷ USD, thủy sản đạt 900 triệu USD và chăn nuôi đạt 29,9 triệu USD…

Trong quý I, nhóm nông sản chính đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 12,8%; lâm sản chính đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,4%; thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7%; chăn nuôi ước đạt 75,6 triệu USD, giảm 22,4%. Đặc biệt, xuất khẩu các sản phẩm đầu vào sản xuất khoảng 603 triệu USD, tăng 72,5%, nhất là phân bón giá trị xuất khẩu khoảng 291 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý I, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ như: cao su, chè, gạo, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Đặc biệt, mặt hàng cà phê đã bứt tốc với mức tăng trưởng trên 50%, mang về giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Cùng với sự tăng tốc mạnh mẽ còn có các mặt hàng về thủy sản, điển hình như: cá tra tăng 82%, đạt 606 triệu USD, tôm cũng tăng gần 40%, đạt 929 triệu USD. Hay hồ tiêu cũng tăng mạnh gần 41% và đạt 252 triệu USD… Nhiều mặt hàng khác cũng có mức tăng trưởng ở hai con số như: cao su, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn….

Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng giảm gồm: chè đạt 36 triệu USD, giảm gần 12%; nhóm hàng rau quả đạt khoảng 849 triệu USD, giảm 12%; hạt điều ước đạt 630 triệu USD, giảm 5%.

Về thị trường xuất khẩu, trong quý I, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản lớn nhất với 40,3%; tiếp đến là châu Mỹ 29,5%; châu Âu 13,1%, châu Đại Dương và châu Phi.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt gần 3,5 tỷ USD, chiếm 27,1% thị phần; trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường này. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với trên 2,1 tỷ USD, chiếm 16,6% thị phần với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 29% tỷ trọng. Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 872 triệu USD, chiếm 6,8% và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất 44,3%.

Về nhập khẩu, trong quý I, giá trị nông, lâm, thủy sản nhập khẩu giảm bởi đa số các mặt hàng đều có sự giảm sút. Điển hình, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 2,7%; nhóm lâm sản chính khoảng 675,4 triệu USD, giảm 10,3%; nhóm sản phẩm chăn nuôi giảm 15,5%; nhóm đầu vào sản xuất giảm 2,3%; riêng nhóm hàng thủy sản nhập khẩu tăng 13%, với giá trị trên 564 triệu USD.

Thúc đẩy sản xuất cũng như xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhanh về giá cả, sản lượng và tình hình sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản có thể gặp khó khăn trong tiêu thụ trước tình hình dịch bệnh; tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa nông sản tại cửa khẩu.

Các đơn vị chức năng tập trung đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu ớt, sầu riêng, sữa và sản phẩm sữa, bột cá và dầu cá, sản phẩm lông vũ sang Trung Quốc; nhãn sang Nhật Bản; bưởi, chanh ta sang New Zealand; bưởi sang Mỹ và Ấn Độ; sản phẩm động vật sang Hàn Quốc; mật ong sang EU… Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, rau, quả thực hiện đúng quy định của các nước như Hàn Quốc, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Thời gian qua, các đơn bị của Bộ đã tập trung hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. giải pháp thắc mắc của doanh nghiệp về các quy định của Trung Quốc liên quan đến hạt điều, đậu... Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.920 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ đã tổng hợp được 256 thông báo dự thảo về quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS) của các nước thành viên thuộc tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Hiện các cơ quan liên quan đang xem xét góp ý. Trong quý I, Bộ cũng xử lý 12 cảnh báo của EU về sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc. Đồng thời, xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.

(Theo TTXVN)

Đăng ngày: 31/03/2022 , 16:03 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác