Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ

Đăng ngày: 01/12/2021 , 16:17 GMT+7

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; các địa phương dần trở lại với trạng thái “bình thường mới” khiến giá hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 2% so với tháng 12/2020 và tăng 2,1% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%.

Ảnh minh họa: VH

Trong mức tăng 0,32% của CPI tháng 11/2021 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

09 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng

Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,11% (làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 26/10/2021, ngày 10/11/2021 và ngày 25/11/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 8,12%, dầu diezen tăng 7,3%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tăng 0,22%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,86% do giá xăng, dầu tăng.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,46% (làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm), trong đó giá điện sinh hoạt tăng 1,04% (làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm) do một số địa phương đã kết thúc thời gian được Chính phủ hỗ trợ giá trên hóa đơn tiền điện; giá nước sinh hoạt tăng 1,94%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,94% (làm CPI tăng 0,02 điểm phần trăm), do nhu cầu xây dựng tăng trở lại sau thời gian tạm dừng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33% do nhu cầu tiêu dùng của người dân và chi phí vận chuyển tăng.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25% do thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu mua sắm quần áo và giày dép thu đông của người dân tăng.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19% do nhu cầu sử dụng các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông tăng khi thời tiết chuyển lạnh ở các tỉnh miền Bắc.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04% do thời tiết chuyển lạnh, không khí ẩm khiến các loại vi rút gây bệnh sinh sôi mạnh, các bệnh về hô hấp dễ xảy ra nên nhu cầu các mặt hàng thuốc, dụng cụ y tế tăng.

Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,03%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25% do giá nhóm đồ trang sức tăng 2,12% theo giá vàng trong nước; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,56% và vật dụng về hỉ tăng tăng 0,48% do nhu cầu cưới hỏi tăng.

02 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm

Nhóm giáo dục giảm 0,92% (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm) , trong đó dịch vụ giáo dục giảm 1,06% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm) do nguồn cung dồi dào, trong đó: Lương thực tăng 0,22% ; thực phẩm giảm 0,4% ; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,23%.

Lạm phát cơ bản tháng 11/2021 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/11/2021 tăng 2,79% so với tháng 10/2021. Giá vàng thế giới tăng do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát gia tăng làm suy yếu nền kinh tế nên tìm đến vàng để lưu trú dòng vốn và tìm hướng đầu tư an toàn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 11/2021 tăng 2,65% so với tháng trước; tăng 0,75% so với tháng 12/2020 và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 9,39%.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng cao - mức cao nhất trong hơn 30 năm. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 1,4% so với tháng 12/2020 và giảm 1,63% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 11 tháng năm 2021 giảm 1%.

PV.

Đăng ngày: 01/12/2021 , 16:12 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác