Thúc đẩy xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước

Đăng ngày: 31/07/2022 , 20:43 GMT+7

Ngày 29/7/2022, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022”. Đây là sự kiện thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước” được thực hiện định kỳ hàng tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2023.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022

Chuỗi Hội nghị là cầu nối quan trọng giữa hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước. Mục tiêu của chuỗi Hội nghị nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường nước ngoài từ hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu, phục vụ tham mưu, tư vấn chính sách và công tác điều hành hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.

Chuỗi Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia. Hội nghị tháng 7/2022 do Lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì, thu hút trên 500 đại biểu tham dự.

Chương trình Hội nghị kỳ tháng 7/2022 bao gồm 2 phiên chính. Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Australia, Ai Cập, Hoa Kỳ, Thuỵ Điển và Trung Quốc thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Phiên 2 dành cho đại diện các địa phương gồm UBND tỉnh An Giang và Sơn La, các hiệp hội: Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu, nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại và đề xuất những hỗ trợ cụ thể từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cho địa phương và hiệp hội.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những quyết sách kịp thời vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội đúng hướng và hiệu quả. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, các địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp, đã góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển thị trường xuất nhập khẩu, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 435,2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 217,73 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 217,48 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 243 triệu USD trong 7 tháng đầu năm, hỗ trợ tích cực cho cán cân thanh toán, góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Trong các thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, dịch Covid-19 cùng một số dịch bệnh khác vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Tình hình xung đột Nga – Ukraine đang gây thêm tác động kép cho kinh tế thế giới. Trước bối cảnh đó, hàng loạt hệ luỵ đã xảy ra như đứt gãy các chuỗi cung ứng, các nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, các hiệu ứng domino diễn ra trên nhiều lĩnh vực, lan tới cả những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế các nước là lương thực, thực phẩm. Việc nối lại, duy trì và phát triển thị trường nước ngoài, chuỗi cung ứng đã rất tích cực nhưng vẫn chưa trở lại bình thường, ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất nhập khẩu chung của cả nước.

Bối cảnh này đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Bộ Công Thương kỳ vọng chuỗi Hội nghị sẽ tạo điều kiện để Bộ Công Thương cùng các địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp tìm ra những biện pháp xúc tiến xuất nhập khẩu phù hợp, khai thác nhanh chóng, hiệu quả các cơ hội thị trường nước ngoài, góp phần vào sự phát triển ngoại thương nói riêng và kinh tế của cả nước nói chung.

PV.

Đăng ngày: 31/07/2022 , 20:07 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác