Giá dầu thị trường châu Á tiếp tục tăng trong phiên 6/6

Đăng ngày: 06/06/2022 , 20:45 GMT+7

Vào lúc 13 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 68 xu Mỹ (0,6%) lên 120,40 USD/thùng sau khi chạm mức cao trong phiên là 121,95 USD/thùng.

Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng trong phiên 6/6 với dầu Brent tăng trên mức 120 USD/thùng sau khi Saudi Arabia nâng giá bán dầu trong tháng 7/2022, cho thấy nguồn cung thắt chặt ngay cả sau khi các nước trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, nhất trí tăng sản lượng trong hai tháng tới.

Vào lúc 13 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 68 xu Mỹ (0,6%) lên 120,40 USD/thùng sau khi chạm mức cao trong phiên là 121,95 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,8% trong phiên 3/6.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 61 xu Mỹ (0,5%) lên 119,48 USD/thùng sau khi chạm mức cao của ba tháng là 120,99 USD/thùng trong phiên này. Loại dầu này đã tăng 1,7% trong phiên 3/6.

Công ty dầu mỏ quốc doanh Aramco ngày 5/6 cho biết Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô nhẹ Arab cho thị trường châu Á thêm 2,10 USD lên 6,5 USD trong tháng 7/2022 so với giá dầu trung bình của Oman và Dubai.

Giá OSP trong tháng 7/2022 là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022 do những lo ngại về gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Việc tăng giá bán dầu diễn ra bất chấp quyết định trong tuần trước của OPEC+, trong đó nhóm này nhất trí tăng sản lượng khoảng 648.000 thùng/ngày trong tháng 7/2022 và tháng 8/2022.

Trước đó ngày 3/6, Iraq cho biết mục tiêu tăng sản lượng dầu lên 4,58 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2022.

Quyết định tăng sản lượng dầu của OPEC+ được nhiều người cho là khó có thể đáp ứng nhu cầu do việc phân bổ mức tăng sản lượng được áp dụng cho tất cả các thành viên, bao gồm cả Nga, quốc gia đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Ngày 6/6, ngân hàng Citibank và Barclays đã nâng dự báo giá dầu cho năm 2022 và 2023 do nguồn cung thắt chặt của Nga và dầu Iran chậm trễ quay trở lại thị trường./.

 (Theo TTXVN/Vietnam+)

Đăng ngày: 06/06/2022 , 20:06 GMT+7

Tin liên quan