Tăng cường công tác quản lý và thông tin giá cả thị trường tại địa phương

Đăng ngày: 17/05/2021 , 14:10 GMT+7

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 về công tác điều hành giá năm 2021 trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường.

Ảnh minh họa: Việt Hằng

Triển khai thực hiện, ngày 14/5/2021, Bộ Tài chính có Công văn số 4896/BTC-QLG đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành trong công tác lưu thông phân phối hàng hóa để tránh hiện tượng sốt giá cục bộ do khan hiếm hàng hóa hoặc sụt giảm giá bất lợi đối với hàng nông sản do bị ùn tắc trong lưu thông, phân phối. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo điều hành giá (qua Bộ Tài chính) để có chỉ đạo.

Tăng cường công tác quản lý kê khai giá, niêm yết giá, nhất là đối với vật tư y tế phòng chống dịch, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công... Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá. Chủ động tính toán, xây dựng phương án giá đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá thuộc thầm quyền quy định giá của địa phương trong đó đánh giá kỹ liều lượng, mức độ điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. Đồng thời tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định.

Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 của Văn phòng Chính phủ v/v công tác điều hành giá năm 2021 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường 7 tháng cuối năm 2021.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, để ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu (như lương thực, thực phẩm...),các Bộ, ngành và các địa phương tăng cường phối hợp theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để thương nhân lợi dụng hiện tượng thiên tai, bão lụt để nâng giá, găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng về vùng bão, lụt; tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, hỗ trợ, cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, hàng hóa, vật tư để ổn định đời sống cho nhân dân và khôi phục sản xuất, nuôi trồng tại các địa bàn xuất hiện ổ dịch, bị phong tỏa cách ly.

Mặt khác, do chuẩn bị bước vào giai đoạn mùa mưa bão nên các Bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ kinh phí phòng chống thiên tai. Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia, thực hiện việc điều tiết hàng hóa cho các vùng dân cư bị cô lập khi bị ngập lụt, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.

Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời đưa ra các thông tin chính xác, chuyển tải các thông tin để hỗ trợ các cơ quan chức năng tại địa phương và người dân đối phó với bão, lụt; tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân.

Về công tác lưu thông hàng hóa, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, có biện pháp khử trùng, vệ sinh an toàn lương thực, thực phẩm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, phân phối hàng hóa, tránh xảy ra hiện tượng hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp bị dồn ứ, tắc nghẽn không phân phối đi được, dẫn đến lãng phí hoa màu, thực phẩm tại các địa phương, vùng xuất hiện các ổ dịch covid-19 bị phong tỏa, cách ly.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người trên cả nước.

PV.

Đăng ngày: 17/05/2021 , 14:05 GMT+7

Tin liên quan