Ảnh minh hoạ
Báo cáo tổng kết đánh giá 10 năm phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2011 – 2020 đã nêu bật những thành tựu quan trọng của ngành. Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng và tăng cao. Chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019; Giá trị gia tăng (VA) của ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tăng từ 867,64 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 lên 1.108,16 nghìn tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, mặc dù bị ành hưởng nặng nề của dịch bệnh, chỉ số IIP vẫn duy trì tăng trưởng với mức khoảng 3%; VA tăng khoảng 3%.
Về tổng thể, có thể thấy rằng, mô hình tăng trưởng với phương châm từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu những năm qua góp phần tạo sự chuyển mình, tích lũy nội lực đáng kể của ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam. Tuy vậy, động lực tăng trưởng dựa vào mở rộng quy mô đầu tư FDI trên cơ sở lợi thế về nhân công giá rẻ, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn có thể không còn phù hợp để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Ngành Công Thương, trong 10 năm tiếp theo, cần thiết phải xác lập chiến lược phát triển mới, vừa tiếp tục tận dụng quán tính của động lực tăng trưởng cũ, bên cạnh việc nhanh chóng kiến tạo động lực tăng trưởng mới trên quan điểm tích lũy tiềm lực, tạo đà cho tự lập, tự cường và phát triển bền vững của ngành sản xuất công nghiệp giai đoạn sau. Quan điểm phát triển bền vững lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ giai đoạn tới phải được hiểu là tăng cường năng lực tự cường, tiến tới gia tăng tự chủ thông qua việc chiếm lĩnh các công đoạn, phân khúc có giá trị gia tăng cao trong chuỗi sản xuất toàn cầu đi đôi với bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sống. Với quan điểm này, ngành Công Thương cần nhanh chóng xác lập hướng phát triển mới, trước khi các lợi thế so sánh cạn kiệt, tiếp tục là đầu tầu dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Nguy cơ chính đối với lĩnh vực công nghiệp Việt Nam
Một là tốc độ tăng suất lao động trong các ngành công nghiệp thấp hơn mức tăng của toàn nền kinh tế, ngành nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo (2,7%/năm so với 4,7%/năm của cả nước giai đoạn 2011-2015, ước chỉ tăng 1,5%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020). Nguyên nhân của nguy cơ này được chỉ ra trong các điểm sau: (i) Chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu tăng năng suất trong các ngành công nghiệp. Hơn 28,54% số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật kém, chưa qua đào tạo hoặc đào tạo không đúng với công việc thực hiện; (ii); Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa làm tốt vai trò dẫn dắt, hình thành động lực phát triển.
Hai là tính tự chủ của ngành công nghiệp thấp, sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, phụ thuộc vào nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất ngày càng cao, dẫn đến giá trị gia tăng tạo ra trong nước thấp. Số liệu thống kê về xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2011 – 2020 cho thấy, tỷ trọng nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng từ 88,6% năm 2011 lên 91,1% vào năm 2015, 91,2% vào năm 2019 và ước tăng 91,5% vào năm 2020; Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ mức 17,0% năm 1995 lên 69,9% vào năm 2019 và ước 70,1% vào năm 2020).
Ba là liên kết rất yếu giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, hiệu ứng lan tỏa năng suất thấp, yếu trong tận dụng công nghệ ngoại sinh từ khu vực FDI; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, đạt 10% nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành công nghiệp xuất khẩu, khả năng hấp thu công nghệ của các ngành công nghiệp nội địa còn hạn chế (chuyển giao công nghệ: 13%; chuyển giao quy trình công nghệ: 73%; trợ giúp kỹ thuật: 77%). Nội lực doanh nghiệp trong nước thấp, thụ động trong tiếp nhận và tham gia vào chuỗi sản xuất; định hướng chính sách thu hút FDI chủ yếu theo tư duy tăng trưởng ngắn hạn, bỏ qua yêu cầu chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cũng như chất lượng công nghệ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phụ thuộc vào khu vực FDI, năng lực nội tại của các doanh nghiệp trong nước rất thấp.
Bốn là công nghệ sản xuất trong các ngành công nghiệp lạc hậu. Khoảng 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.
Năm là phân bố không gian của các ngành công nghiệp không phát huy được lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương, chưa hình thành được các mô hình cụm ngành công nghiệp, đặc biệt là các cụm ngành chuyên môn hóa để liên kết phát triển chuỗi giá trị các ngành công nghiệp để nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu; Quy hoạch công nghiệp còn dàn trải, thiếu tập trung, không thống nhất nên làm hạn chế phát huy các yếu tố về lợi thế cạnh tranh, thiếu thể chế thực hiện quy hoạch vùng. Phát triển công nghiệp phụ thuộc nhiều vào mong muốn chủ quan của các địa phương và thiếu cơ chế hợp tác, điều phối giữa các địa phương, vùng. Chất lượng quy hoạch còn hạn chế, thiếu sự liên kết theo vùng lãnh thổ, chưa thực hiện được những chiến lược, định hướng lớn của Chính phủ, dẫn đến hạn chế trong khai thác các lợi thế, tiềm năng, đặc thù của mỗi vùng, miền; phân bố không gian chưa hợp lý; Các quy hoạch cấp vùng không được thực thi đầy đủ dẫn đến thiếu sự hợp tác và phân công phát triển các ngành công nghiệp theo lợi thế cạnh tranh của từng vùng, làm xuất hiện tình trạng các địa phương trong vùng cạnh tranh với nhau trong thu hút đầu tư, lựa chọn phát triển ngành ưu tiên, mũi nhọn của mình mà không có sự hợp tác, phân chia theo thế mạnh, năng lực của từng địa phương; Triết lý phát triển công nghiệp theo địa phương, theo vùng chưa có; Cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tổ chức xây dựng và lấp đầy, không phát triển theo triết lý cụm ngành chuyên môn hóa.
Sáu là công nghiệp xuất khẩu mới chỉ tham gia được vào các phân khúc có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chế biến, chế tạo như dệt may, da giầy, điện tử chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (gia công, lắp ráp) trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bảy là công nghiệp, tiêu dùng chưa thân thiện với môi trường. Chính sách tăng trưởng ngắn hạn kìm hãm phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao; Công nghiệp môi trường, công nghiệp xanh yếu do nhiều yếu kém về R&D, thiếu vốn đầu tư phát triển, nguồn nhân lực và các chính sách hỗ trợ thị trường. Mô hình sản xuất một chiều (linear economy) tiếp tục được duy trì chưa chú ý đến gia tăng hiệu quả về năng lượng, nguyên vật liệu thông qua áp dụng hình thái sản xuất kinh tế tuần hoàn (circular economy),kinh tế chia sẻ (sharing economy).
Kiến tạo động lực tăng trưởng bền vững của lĩnh vực Công nghiệp Việt Nam
Kiến thiết động lực tăng trưởng mới của ngành Công nghiệp Việt Nam theo quan điểm phát triển bền vững: tăng cường năng lực tự cường, tiến tới tự chủ cao thông qua việc chiếm lĩnh công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi sản xuất toàn cầu đi đôi với bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sống là một trong nhân tố quan trọng đưa công nghiệp Việt Nam vượt qua những tồn tại, nguy cơ, tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế.
Động lực về đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công nghiệp, lấy động lực của tăng trưởng là đổi mới sáng tạo song hành cùng với việc và lấy sự phát triển của từng ngành công nghiệp làm nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ. Cần thiết phải lựa chọn ngành/phân ngành của ngành công nghiệp ưu tiên đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng hiệu ứng lan tỏa. Huy động, tập trung nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên với phương châm đổi mới sáng tạo xuất phát từ nhà sản xuất, phục vụ sản xuất. Nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là bộ phận phục vụ việc đổi mới sáng tạo của khu vực sản xuất. Một số hướng sau cần ưu tiên xây dựng động lực về đổi mới sáng tạo: (i) Đẩy nhanh, mạnh phát triển, sở hữu công nghệ lõi thuộc các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông (ICT); năng lượng mới; vật liệu mới; y sinh; sản xuất thông minh, robotic. (ii) Thiết lập hệ thống các giải pháp công nghệ giải quyết các nút thắt trong hiện đại hóa công nghiệp. (iii) Thúc đẩy nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực vật lý, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ trực tiếp cho phát triển công nghiệp. (iv) Xây dựng và phát triển nền tảng chia xẻ thông tin đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ phục vụ mọi đối tượng xã hội, đặc biệt là các nhà khoa học, học sinh, sinh viên và chủ doanh nghiệp. (v) Thúc đẩy hình thành những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mang tính dẫn dắt; Yêu cầu các cơ sở giáo dục bậc cao, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, viện nghiên cứu tham gia và trở thành nòng cốt của hệ thống đổi mới sáng tạo ngành Công Thương; (vi) Hình thành những nhóm nghiên cứu liên ngành từ hệ thống trường, viện trực nhằm giải quyết các vấn đề, đi trước các vấn đề về công nghệ tại doanh nghiệp, đồng thời thực hiện chức năng là cầu nối giữa học thuật và công nghiệp.
Động lực về chất lượng nguồn nhân lực: Hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật công nghệ phục vụ sản xuất có quy mô, cơ cấu, chất lượng hợp lý, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển công nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu, rộng và định hướng tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của ngành công nghiệp trong đó thiết lập lực lượng lao động cốt lõi có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật có sức cạnh tranh quốc tế đáp ứng nhu cầu cấp thiết về lao động kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất của lĩnh vực công nghiệp, tiến tới hình thành sức cạnh tranh quốc tế của đội ngũ nhân lực kỹ thuật công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, phải phát triển đội ngũ chuyên gia trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại nhà máy, cơ sở sản xuất cũng như đội ngũ chuyên gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo.
Từ việc xác định hai động lực tăng trưởng này, sản xuất công nghiệp cần tập trung vào các phương hướng sau:
Hình thành nền tảng bền vững cho công nghiệp phát triển: Giải quyết các điểm nghẽn về: Công nghiệp phụ trợ; Tự chủ về vật liệu, linh kiện và chi tiết thiết yếu; phụ thuộc vào kỹ thuật, công nghệ nước ngoài thông qua thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển, chia xẻ công nghệ, hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu giải quyết các điểm nghẽn nêu trên; đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa, đo lường, chứng nhận, kiểm định, giám sát năng lực của các lĩnh vực công nghiệp cơ bản.
Phát triển bệ đỡ cho phát triển công nghiệp chế tạo: Hướng đổi mới sáng tạo vào việc chế tạo các sản phẩm có tính năng và chất lượng ưu việt trên cơ sở thiết lập năng lực mới về tích hợp thiết kế và tích hợp hệ thống; khởi động và đẩy nhanh thông minh hóa công nghiệp chế tạo nhằm tạo động lực phát triển thị trường công nghệ và thiết bị thông minh phục vụ chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp thông minh; tạo dựng nền tảng phát triển công nghiệp như tiêu chuẩn hóa sản xuất chế tạo thông minh, chiến lược sản xuất linh kiện điện tử, phát triển các phần mềm lõi phục vụ sản xuất công nghiệp; Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược sản xuất tại Việt Nam kết hợp với công nghệ Việt; Tạo lập nền tảng công nghiệp chế tạo thông minh, xanh với các sản phẩm có vòng đời sử dụng xanh, thân thiện môi trường; Tạo lập các cực phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy việc nâng cấp, chuyển đổi công nghiệp chế tạo theo hướng thông minh, xanh, và giá trị gia tăng cao.
Chuyển đổi và nâng cao sức cạnh tranh ngành công nghiệp nặng: Thay thế, chuyển đổi, nâng cấp công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả thông qua chương trình hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất theo hướng xanh, hiện đại, tiết kiệm và hiệu quả về năng lượng và sử dụng nguyên vật liệu; Khuyến khích việc sắp xếp các doanh nghiệp theo vùng địa lý nhằm tối ưu hóa chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, tiến tới triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị ngành.
Thương hiệu và chất lượng: Tạo dựng thương hiệu hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, tiến tới thương hiệu hóa công nghiệp Việt Nam qua chất lượng sản phẩm công nghiệp Việt.
Tiết kiệm và hiệu quả: Hoàn thiện thể chế nhằm hướng công nghiệp phát triển theo hướng tối ưu hóa nguồn lực: Tiêu chuẩn hóa về định mức sử dụng nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng, quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường, chất lượng và an toàn sản phẩm, trước hết đối với các ngành sản xuất công nghiệp tiêu tốn tài nguyên, năng lượng và gây bất lợi cho môi trường.
(Theo MOIT)