Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đại diện các Sở ban ngành liên quan các tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước
Quyết định 1034/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Voso và Postmart với mục tiêu hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hướng tới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT thông qua các doanh nghiệp bưu chính, đồng thời Kế hoạch được kỳ vọng cùng với các Bộ chuyên ngành thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân... từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các Sở TT&TT, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT các tỉnh/thành cùng Bưu điện Việt Nam, Bưu chính Viettel đã cùng trao đổi, thảo luận về khó khăn, vướng mắc, đề xuất của địa phương, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hội nghị cũng tập trung bàn thảo về phương án tiêu thụ nội tỉnh, liên tỉnh, kênh trực tuyến (online) và kênh offline thông qua 02 doanh nghiệp bưu chính.
Đại diện các Sở ngành địa phương tham dự Hội nghị cũng được phổ biến, hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung Kế hoạch 1034 của Bộ TT&TT cũng như công tác phối hợp để hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của các hộ sản xuất kinh doanh sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, giao dịch mua bán trên 2 sàn thương mại điện tử: Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel.
Theo đại diện Bộ TT&TT, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn TMĐT là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, tại Nghị quyết của Chính phủ, cũng như tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã có định hướng thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi công nghệ tiên tiến của nền cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chương trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C đạt 35 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình là 25%/1 năm, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Với chủ trương và quan điểm quản lý của Đảng và Chính phủ là quản lý đồng thời với việc thúc đẩy và phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp lớn đã được phê duyệt tại Quyết định 645/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ. Theo đó, một là, hoàn thiện thể chế chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam; hai là, nâng cao năng lực quản lý và đấu tranh chống các hành vi gian lận trong thương mại điện tử; ba là, các giải pháp xây dựng thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thương mại điện tử và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử; bốn là, tăng cường hệ thống hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử bao gồm: hạ tầng logistics thương mại điện tử, hạ tầng thanh toán thương mại điện tử; và nhóm giải pháp ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, đồng thời mở rộng tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương.
Căn cứ vào các chủ trương và kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cũng đề nghị Bộ TT&TT bổ sung vai trò của Bộ Công Thương trong hoạt động phối hợp liên Bộ, cụ thể bao gồm: xây dựng chính sách phát triển thương mại nói chung và thương mại điện tử tại Việt Nam; xây dựng hạ tầng hỗ trợ cho thương mại điện tử bao gồm: hạ tầng logistics và hạ tầng thanh toán thương mại điện tử; giám sát hoạt động thương mại điện tử để đảm bảo môi trường phát triển thương mại điện tử lành mạnh, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay. Ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại đầu tháng 7/2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan để triển khai nhiều biện pháp đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, trong đó có mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau củ quả tươi phục vụ bà con nông dân, người tiêu dùng tại các tỉnh thành và khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phía Nam và thành phố Hà Nội . . .
Với vai trò quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đang triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông qua thương mại điện tử, cụ thể như việc lên phương án kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tăng cường nguồn cung hàng hóa, giảm áp lực cho các tỉnh thành trong thời gian giãn cách, cũng như đề xuất các địa phương tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên giao hàng thương mại điện tử được phép hoạt động. Cục cũng đã có những báo cáo, đề xuất kịp thời với Ban chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo lưu thông hàng hóa, trong đó có mặt hàng nông sản và rau củ quả tươi sống.
Về hoạt động phát triển thị trường thương mại điện tử, từ cuối năm 2019, với mục tiêu hỗ trợ các phát triển sản phẩm Việt, hàng hoá của doanh nghiệp Việt trên các sàn thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post - Sàn thương mại điện tử Voso) và Sàn thương mại điện tử Sendo để xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử. Đây cũng là hoạt động triển khai Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Bộ Chính trị phát động đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ những năm vừa qua và thông qua Cổng thông tin chính thức tuhaoviet.vn
Hiện chương trình đang được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp các tỉnh/thành trên cả nước và tiếp tục mở rộng ra các Sàn thương mại điện tử lớn khác Tiki, Postmart, Shopee và Lazada với các hình thức triển khai khác nhau, được sự ủng hỗ và hỗ trợ của lãnh đạo các tỉnh, Sở ban ngành và doanh nghiệp ở địa phương. Qua thời gian gần 1 năm chính thức vận hành tổ chức hoạt động kết nối thương mại điện tử ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TPHCM, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, Lạng Sơn, Hà Tĩnh . . . hàng nghìn lượt doanh nghiệp đã được tiếp cận và phổ biến về chương trình, hiện tại có hàng trăm sản phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng đã được đưa lên “Gian hàng Việt trực tuyến”. Hiện tại độ phủ của chương trình đã rất rộng và được cộng đồng doanh nghiệp khắp các tỉnh/thành đánh giá cao.
Có thể kể đến một số chương trình tiêu biểu như: Chương trình “Ngày Đặc sản Sơn La” và “Ngày hội xứ Dừa – Quê hương Bến Tre”, “Phiên chợ nông sản Việt”, “Tuần lễ nông sản Việt” kết nối trực tiếp tới nhà vườn, sản phẩm nông sản được cam kết theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức phân phối trên các Sàn thương mại điện tử. Nhóm hàng nông sản đã được tổ chức tiêu thụ trên các Sàn thương mại điện lớn như Hành tím Sóc Trăng, Khoai lang tím Vĩnh Long, Bưởi da xanh Bến Tre, Sầu riêng Ri6 Trà Vinh, Vải thiều Hải Dương, Bắc Giang, Bơ Đắk Nông, Mận, Xoài Sơn La, Lê thơm Tai Nung Lào Cai, Nho xanh Ninh Thuận, Nhãn lồng Hưng Yên và sắp tới đây là các sản phẩm khác như Nhãn xuồng Bến Tre, Na Chi Lăng Lạng Sơn, Bưởi Phúc Trạch . . .
Hành tím Sóc Trăng
Với các sự kiện như vậy hàng trăm tấn nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử mà Bộ Công Thương đã và đang triển khai. Riêng chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, theo thống kê tổng hợp cho biết khoảng trên 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ với gần 1 triệu đơn hàng trên 06 Sàn thương mại điện tử tham gia (không tính các kênh trực tuyến và mạng xã hội khác).
Vải thiều Bắc giang
Những trái cam thơm mát
Chè Tam Đường – Lào Cai
Cùng thời gian đó, Cục TMĐT và KTS phối hợp với Viettel Post từng bước phát triển ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới “Vỏ Sò Global” dành cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và đã xuất khẩu thí điểm hơn 03 tấn đặc sản trái cây đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường Đức thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Chương trình “Ứng dụng TMĐT giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tỉnh Đồng Tháp” với sự tham gia của 02 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam bao gồm: Voso và PostMart đã hỗ trợ hơn 500 sản phẩm của hơn 100 doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp đưa lên phân phối ở trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và PostMart.vn.
Ngoài nhóm hàng nông sản ra, Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” vẫn tiếp tục triển khai hỗ trợ các sản phẩm Việt, thương hiệu Việt uy tín, phát triển trên kênh thương mại điện tử với nhóm sản phẩm công nghiệp, thực phẩm chế biến … như Vinamilk, Mộc Châu Milk, Văn phòng phẩm Thiên Long, Điện Quang, Tôn Hoa Sen, Ba Huân . . .
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố nhất là khu vực phía Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã chủ động phối hợp với các sàn thương mại điện tử triển khai các chương trình đặt hàng nông sản, hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống tạo điều kiện mua sắm cho người dân trên các kênh trực tuyến như Chương trình “Đi chợ tại nhà” hay “Tuần lễ Nông sản Việt” của sàn thương mại điện tử Sendo, chương trình “Thực phẩm bình ổn” của ShopeeFarm; “Đi chợ Online” trên Lazada hay các chương trình kết hợp đặt hàng online-offline trên sàn thương mại điện tử Voso và Postmart.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch – Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai Kế hoạch 1034, Lạng Sơn đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Nhiều hộ gia đình đã tiên phong trong việc mở rộng kinh doanh trên nền tảng số. Tính đến ngày 10/8 Lạng Sơn đã tạo được 4.445 gian hàng, số ví điện tử/tài khoản thanh toán điện tử là 2.971, số đơn hàng 2.759 đơn, 3.500 loại sản phẩm, tổng doanh thu 518.966.000 đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Lịch cũng đề xuất 2 sàn cần nâng cấp công nghệ để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại tỉnh, phát triển các cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho từng hộ gia đình… Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng báo cáo tới Hội nghị về việc đứt gãy chuỗi bán hàng do dịch bệnh diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội tại các địa phương là thị trường tiêu thụ của mặt hàng na khi đã vào vụ thu hoạch.
Đại diện Sở TT&TT tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện tại, hơn 200 sản phẩm nông sản Hưng Yên đã lên sàn thương mại điện tử, trong đó có 55 sản phẩm OCOP của tỉnh. Hiện nay sản phẩm chủ lực của tỉnh là nhãn lồng đang vào mùa vụ chính. Các nhà vườn cũng đang tìm các phương thức kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên Hưng Yên đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như thói quen của bà con nông dân chủ yếu là buôn bán qua thương lái, kỹ năng bán hàng qua các sàn thương mại điện tử còn hạn chế. Đại diện Sở TT&TT Hưng Yên đề xuất các sàn thương mại điện tử cần bố trí lực lượng hỗ trợ tại chỗ để hướng dẫn bà con nông dân các kỹ năng như đăng ký tài khoản, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; bên cạnh đó phối hợp với các Sở Công Thương, TT&TT, NN&PTNT trong hoạt động đào tạo kỹ năng, hướng dẫn bà con cách thức bán hàng và quảng bá sản phẩm đến người dân trong nước và cả nước ngoài thông qua môi trường số. Tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị các sàn tích cực phối hợp với các Sở ngành liên quan lên danh sách các hộ, Hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu thụ, khảo sát đặc tính sản phẩm của địa phương, từ đó thống nhất các phương án đóng gói, lưu thông hàng hóa, trước mắt là đối với sản phẩm nhãn Hưng Yên kịp thời, theo đúng mùa vụ.
Đại diện Sở TT&TT tỉnh Đăk Lăk bày tỏ sự quan tâm tới môi trường thanh toán cho bà con nông dân, để đảm bảo an toàn cho bà con, vì đối với đặc thù của tỉnh, bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh rất thấp, do đó, việc thực hiện thanh toán trực tuyến sẽ rất khó khăn.
Cũng tại Hội nghị, các địa phương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo tổ chức tập huấn, hỗ trợ tại chỗ để hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp các kỹ năng, cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; có biện pháp giải quyết tình trạng đứt gãy khâu vận chuyển đến người mua đối với những thị trường chủ lực đang thực hiện giãn cách xã hội.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cũng chia sẻ, Cục TMĐT và KTS thực tế triển khai ở các địa phương thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn như các Sở ngành địa phương đã phản ánh, đặc biệt là từ thói quen sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân. Bộ Công Thương đánh giá cao sự phối hợp liên Bộ giữa Bộ TT&TT, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời gian qua. Các Bộ đã tạo điều kiện tốt nhất và chỉ đạo đồng bộ để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung và thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng nông sản nói riêng. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục đồng hành cùng với các sàn thương mại điện tử lớn, trong đó có sàn voso, postmart … để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt nói chung, cũng như nông sản Việt nói riêng trên thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và các chương trình hợp tác liên Bộ.
PV.