Giá dầu thô giữ đà tăng, khí tự nhiên bứt phá hơn 15%

Đăng ngày: 03/02/2022 , 17:43 GMT+7

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2, thị trường có sự phân hóa khi nhóm nông sản và công nghiệp suy yếu, trong khi kim loại và năng lượng đi lên. Trong đó, đáng chú ý là mức tăng rất mạnh của nhóm năng lượng, giúp chỉ số MXV-Index tiếp tục tăng 0,7% lên mức kỷ lục 2.554,13 điểm.

Giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ trở lại về mức trung bình từ đầu năm đến nay, dao động ổn định 4.500 tỉ đồng mỗi phiên, sau khi tăng đột biến trong phiên giao dịch mồng 1 Tết. Trong đó, nhóm năng lượng vẫn chiếm đến hơn 30% tổng giá trị giao dịch trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới có phiên tăng thứ 4 liên tiếp. 

Giá dầu thô thế giới tăng không đáng kể khi kết thúc phiên giao dịch hôm qua, sau khi OPEC+ giữ nguyên mức tăng sản lượng trong cuộc họp chính sách và báo cáo của EIA cho thấy tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm trở lại. Đóng cửa, giá dầu thô WTI chỉ tăng 0,07% lên 88,26 USD/thùng còn giá Brent tăng 0,35% lên 89,47 USD/thùng.

Giá dầu tăng mạnh ngay sau thông tin OPEC+ giữ nguyên mức tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày. Mặc dù trước đấy đã có những kỳ vọng cho rằng nhóm sẽ tăng nhanh sản lượng thực tế để tránh trường hợp giá dầu tăng quá mạnh và gây ra lạm phát lớn nhưng thực tế cuộc họp kết thúc khá nhanh và không có thay đổi nào so với các chính sách trước đó, là thông tin tích cực và đẩy giá tăng vọt trong phiên tối.

Tuy nhiên, một lần nữa, kháng cự tại vùng 90 USD/thùng đã tạo ra áp lực khiến giá điều chỉnh. Giá chỉ tăng trở lại sau khi báo cáo của EIA cho thấy tồn kho dầu thương mại tại Mỹ giảm 1 triệu thùng, trái với kỳ vọng tồn kho tăng của giới phân tích.

Trung bình 4 tuần, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dầu ở mức 21,6 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 08/2019 trong khi sản xuất không bắt kịp đã khiến tồn kho dầu thương mại tiếp tục giảm bất chấp việc Mỹ mở kho dự trữ chiến lược để giải quyết vấn đề thiếu hụt trên thị trường.

Trong khi đó, giá khí tự nhiên tăng rất mạnh 15,79% lên 5,501 USD/MMbtu. Giá đã tăng tương đối mạnh trong phiên sáng sau thông tin nước Mỹ sắp đón nhận đợt lạnh kéo dài, đặc biệt tại khu vực sản xuất Texas. Điều này khiến cho sản lượng khí giảm trong khi nhu cầu tăng mạnh.

Bên cạnh đó, việc Nga nhanh chóng cắt giảm sản lượng khí sang châu Âu sau khi vận hành lại đường ống Yamal nối từ Nga sang Đức trong một khoảng thời gian ngắn buổi sáng đã khiến cho tâm lý thị trường bị ảnh hưởng mạnh. Lực mua tiếp tục gia tăng trong phiên tối do các suy đoán phía châu Âu sẽ phải tiếp tục tăng lượng nhập khẩu từ Mỹ.

Trên thị trường nội địa, giá xăng dầu vẫn duy trì khá ổn định từ kỳ điều chỉnh ngày 21/1.

(Theo baotintuc)

Đăng ngày: 03/02/2022 , 17:02 GMT+7

Tin liên quan