Sản phẩm OCOP quốc gia: Gắn khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm

Đăng ngày: 10/06/2022 , 23:49 GMT+7

Khoa học và công nghệ đã góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát triển thành công nhiều sản phẩm OCOP; đồng thời khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị.

Hội thi tạo hình nghệ thuật từ trái cây tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Chương trình OCOP đã góp phần giúp khu vực nông thôn phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa đặc thù, gia tăng giá trị nông sản, nhưng nhiều sản phẩm chưa thật sự hiệu quả và chưa được tiêu thụ rộng rãi.

Thực tế trong quá trình triển khai Chương trình OCOP tại 63/63 địa phương trên cả nước, các sản phẩm OCOP được phân hạng sản phẩm thông qua việc "gắn" sao cho sản phẩm. Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là một trong những tiêu chí quan trọng để sản phẩm nông nghiệp, nông thôn của địa phương chinh phục thị trường và có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.

"Gắn" sao để phân biệt chất lượng, giá trị sản phẩm

Triển khai Chương trình OCOP tại các địa phương, các sản phẩm lợi thế, đặc thù địa phương khi tham gia OCOP đều được đánh giá và "gắn" sao. Các sản phẩm tham gia đánh giá tương đối đa dạng, hồ sơ đầy đủ và đặc biệt là có khả năng phát triển, xúc tiến thương mại trong thời gian tới.

Trên cơ sở các kết quả phân tích, đánh giá, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP địa phương sẽ xem xét, ra quyết định công nhận các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gắn sao cho mỗi sản phẩm OCOP tham gia chương trình.

Việc các sản phẩm OCOP được tham gia đánh giá, phân hạng có vai trò hết sức quan trọng, bởi đây là tiêu chí đầu tiên để các sản phẩm OCOP có thể đặt chân vào các siêu thị, cửa hàng tại địa phương lân cận và cũng là điều kiện để có thể đưa sản phẩm xuất khẩu.

Đối với các sản phẩm sau khi được “gắn sao” OCOP, các địa phương cùng với các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông để đưa lên các kênh phân phối trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc gắn sao cho các sản phẩm tham gia OCOP cũng tạo ra một cuộc đua nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP giữa các địa phương, giữa các chủ thể sản xuất để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao, tìm chỗ đứng bền vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã... đã tự ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mục tiêu "gắn" sao cho sản phẩm OCOP, nhằm giúp nhà sản xuất, người tiêu dùng định vị được chất lượng, danh tiếng của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị, lợi nhuận và chiếm lĩnh thị trường.

Thông qua mỗi cuộc đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, các sản phẩm đáp ứng được các quy định của Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng Chương trình OCOP ngày càng nhiều. Nhiều sản phẩm từ chất lượng 3 sao đã được nâng lên 4 sao rồi 5 sao.

Điều này cho thấy, công tác hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng cấp, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm OCOP, đảm bảo quy định theo Bộ tiêu chí OCOP đang được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chú trọng thực hiện. Qua đó, sản phẩm OCOP ngày càng được đảm bảo về chất lượng, cũng như mẫu mã, bao bì và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, các địa phương tiếp tục công tác hướng dẫn, tạo điều kiện và triển khai hỗ trợ các đơn vị sản xuất hoàn thành các quy định theo Bộ tiêu chí OCOP, tạo cơ hội thêm nhiều sản phẩm OCOP tiếp tục được gắn sao, góp phần triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, vừa qua, hệ thống siêu thị Big C đã ký hợp tác với nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tại nhiều địa phương để tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống 17 siêu thị GO!/Big C ở khu vực phía Bắc. Trong các sản phẩm nông sản được ký kết thương mại với hệ thống siêu thị Big C, các sản phẩm đều đã gắn sao hoặc tham gia xếp hạng OCOP.

"Gắn" khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

Các đại biểu và khách hàng tham quan, lựa chọn sản phẩm tại các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Tuy nhiên, do những thách thức từ quy mô sản xuất, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nên trong quá trình triển khai Chương trình, các địa phương đã đẩy mạnh việc "gắn" khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo hướng đảm bảo đầu ra các sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng vùng miền, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị.

Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó sản phẩm hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có thể xuất khẩu vào các thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước phát triển.

Cùng với việc "gắn" khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng, nhiều sản phẩm đã đạt chất lượng, khẳng định được tiêu chuẩn sản phẩm.

Tại các địa phương khi triển khai Chương trình OCOP xác định việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng, là giải pháp hữu hiệu trong chế biến, sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Khoa học và công nghệ đã góp phần trong việc phục tráng, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển thành công nhiều sản phẩm đặc thù, đặc hữu địa phương, đồng thời tạo cơ hội trong việc khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP qua việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu... cho nhiều sản phẩm của địa phương.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi tham gia trả lời tại phiên chất vấn ngày 7/6, nhấn mạnh nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính, chứng tỏ hàng nông sản Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn của thị trường.

Đặc biệt, trên cơ sở lợi thế của 17 FTA đã ký kết thì Bộ Công thương sẽ tiếp tục đàm phán để đưa các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử. Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục làm tốt quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đưa khoa học công nghệ vào sản phẩm để nâng cao giá trị.

Theo báo cáo, Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2018-2020 đã tiêu chuẩn hóa sản phẩm lợi thế địa phương với 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của OCOP; đa dạng hóa sản phẩm gắn với tiêu chuẩn hóa chất lượng (đánh giá, xếp hạng và gắn sao); ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường hỗ trợ chính sách công.

Tiếp đó, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng tạo "sức bật" cho kinh tế nông thôn./.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

 

Đăng ngày: 10/06/2022 , 23:06 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác