Các doanh nghiệp cũng đang buộc phải chuyển chi phí phát sinh vì chuỗi cung ứng tắc nghẽn sang người tiêu dùng. Một số công ty đang xem xét việc rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên. Economiesuisse cảnh báo rằng tình hình này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế Thụy Sỹ nói chung.
Trong cuộc khảo sát này, Economiesuisse đã nhận được phản hồi từ 237 công ty và hiệp hội. Đại đa số (80%) cho rằng, tình trạng tắc nghẽn và đóng cửa cảng biển ở nhiều nơi trên thế giới đang khiến các doanh nghiệp của họ phải đau đầu. Ngoài việc phải hủy một số đơn hàng và lỡ cơ hội bán hàng, khoảng một nửa số công ty được khảo sát cho biết họ đã phải tăng chi phí bán hàng cho người tiêu dùng. Nhiều công ty khác cho biết họ cũng có thể phải làm điều tương tự trong vòng sáu tháng tới.
“Các đại diện được khảo sát dự kiến giá sẽ tăng khoảng 5% trong vòng sáu tháng tới”, Economiesuisse cho biết. “Ngay cả khi các doanh nghiệp hy sinh tỷ suất lợi nhuận để giảm bớt một phần áp lực về giá bán, thì những vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn ngày càng tác động đến người tiêu dùng”.
Sự thiếu hụt được cảm nhận rõ nhất đối với ngành gỗ, thép, nhôm, chất bán dẫn, nhựa và hóa chất. Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã lan rộng từ châu Á sang châu Âu. Thêm vào đó, chi phí năng lượng tăng mạnh do giá khí đốt và dầu đã bùng nổ trong những tháng gần đây. Điều này làm tăng nguy cơ lạm phát thời gian tới.
Economiesuisse nhận định: “Đây là một diễn biến nguy hiểm và có thể làm giảm đáng kể triển vọng kinh tế Thụy Sỹ trong năm nay và năm 2022."
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Tổng thống Thụy Sỹ kiêm Bộ trưởng Kinh tế liên bang Guy Parmelin cũng cảnh báo về những tác động xấu đến thị trường lao động nước này mà tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ông Guy Parmelin cảnh báo sắp tới Thụy Sỹ có thể phải cắt giảm giờ làm việc vì các doanh nghiệp phải trì hoãn giao hàng do tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Trong khi nền kinh tế nước này đang phục hồi tốt thì nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với các vấn đề do gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông cho biết: “Có thể Thụy Sỹ sẽ phải quay lại tình trạng thất nghiệp một phần vào năm tới. Điều này không phải vì thiếu việc làm, mà vì thiếu nguyên liệu và linh kiện phụ tùng để hoàn thành sản phẩm.”
Thời gian qua, các khoản trợ cấp thất nghiệp một phần đã giúp bù đắp thu nhập cho người lao động khi chủ doanh nghiệp cắt giảm số giờ lao động. Điều này cũng giúp ngăn doanh nghiệp phải sa thải nhân viên. Trợ cấp thất nghiệp một phần đã được sử dụng thường xuyên trong các làn sóng Covid-19 tại Thụy Sỹ trước đó, khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời do phong tỏa. Nhìn chung cho đến nay, Thụy Sỹ chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự chậm trễ trong giao hàng. Nhưng nếu cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng tiếp tục diễn biến xấu ở các nước khác trong thời gian tới, Thụy Sỹ chắc chắn cũng sẽ bị tác động.
(Nguồn MOIT)