Hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị COVID-19 ngụy trang dưới “vỏ bọc” thực phẩm đã được lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ. (Ảnh: Vietnam+)
Báo cáo của Tổng cục Hải quan công bố ngày 15/11 cho biết trong 10 tháng của năm 2021, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.000 vụ vi phạm, với trị giá hàng hóa ước tính xấp xỉ 2.100 tỷ đồng và thu ngân sách đạt 170 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng ra quyết định khởi tố 25 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 102 vụ.
Theo đánh giá của cơ quan hải quan, các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đã chuyển hướng hoạt động sang tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và cất giấu số lượng lớn ma túy lẫn trong hàng hóa xuất nhập khẩu với phương thức tinh vi (trong tân dược, sữa, thực phẩm chức năng; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong loa, thiết bị máy móc,...)
Một số vụ việc điển hình như chuyên án ngày 9/4, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an kiểm tra nhiều kiện hàng gửi từ Hà Lan, Đức về Hà Nội qua đường hàng không và có dấu hiệu nghi vấn. Kết quả, cơ quan chức năng đã bắt giữ 16 đối tượng, tịch thu hớn 127 kg ma túy tổng hợp.
Hay chuyên án ngày 19/5, Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy C04 (Bộ Công an) xác lập, phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ khoảng 281 kg ketamine được cất giấu trong các máy mô tơ điện và trong các thùng xốp chứa dạ dày, lòng lợn đông lạnh để chuẩn bị vận chuyển đi Trung Quốc tiêu thụ...
Ngoài ra trong bối cảnh dịch bệnh, các nước siết chặt quản lý tại các cửa khẩu, khu vực biên giới khiến một số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (theo hình thức tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan) đã tồn đọng ở khu vực cảng Hải Phòng và nhiều khu vực biên giới đường bộ các tỉnh phía Bắc.
Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng thủ đoạn tái xuất không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai không đúng tên hàng, số lượng, trọng lượng cũng như chủng loại hàng hóa. Cơ quan hải quan đã tiến hành kiểm tra 73 container của 4 doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan, sau đó tái xuất qua các cửa khẩu biên giới. Kết quả, ngành đã phát hiện 71/73 container là container rỗng (không chứa hàng hóa) và chỉ có một container là còn đầy đủ hàng, một container chỉ còn 2 tấn hàng.
Mặt khác, nhu cầu sử dụng thuốc và các loại trang thiết bị y tế sử dụng trong việc phòng, chống dịch tăng cao cũng là nguyên nhân dẫn đến việc một số đối tượng đã tổ chức nhập lậu, quảng cáo và giao bán công khai trên các trang thông tin điện tử nhiều loại thuốc điều trị bệnh COVID-19, bộ test thử và các loại thiết bị y tế với nguồn gốc là “hàng xách tay.”
Trước tình hình trên, các cơ quan hải quan đã xác minh, điều tra, bắt giữ nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển các loại hàng hóa này trong thị trường nội địa. Đây là những loại thuốc nhập lậu không có nguồn gốc hợp pháp, xuất xứ rõ ràng hoặc chưa được các cơ quan chức năng trong nước kiểm tra, cấp phép (điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân và ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng chống dịch của Chính phủ).
Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng Tám và Chín, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan thành phố Hà Nội phát hiện bắt giữ nhiều lô hàng là test nhanh và các loại thuốc được cho là thuốc điều trị bệnh COVID-19, bao gồm: 1.470 hộp (17 viên/hộp); 78.800 viên; 490 lọ thuốc điều trị COVID-19 (xuất xứ Ấn Độ); 180 bộ test COVID-19 (xuất xứ Trung Quốc); 220 hộp thuốc kháng Virus ( xuất xứ Nga).
(Theo Vietnam+)