Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Công Thương, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Công Thương.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - Thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh đã diễn biến hết sức phức tạp. Bởi trong đợt dịch thứ 4 này, trọng điểm chống dịch của cả nước tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất kinh doanh, các cơ sở sản xuất, các trung tâm thương mại, chợ truyền thống... Đây là những nơi tập trung đông lao động nhất cả nước.
Việt Nam hiện có gần 400 khu công nghiệp đã thành lập, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển, tổng lao động trực tiếp ở các khu này là gần 4 triệu lao động. Trong khi đó, khu vực thương mại có 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, gần 9 nghìn chợ với các hộ kinh doanh cá thể, 600 nghìn nhà hàng. Đối với cụm công nghiệp, có 700 cụm và khoảng 600 nghìn lao động. Đây là những nơi tập trung đông người nhưng vẫn bắt buộc phải hoạt động sản xuất, nếu không sẽ dẫn đến việc bị đứt gãy nền kinh tế.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản gửi UBND, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng chống dịch, xử lý nghiêm tình trạng lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên các địa bàn này đã xuất hiện các ca nhiễm và rất nhiều trường hợp F1, F2. Nếu không phòng, chống dịch tốt ở những khu vực này, tình hình sẽ rất căng thẳng, Thứ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời cũng ghi nhận một số địa phương đã quyết liệt vào cuộc nhanh, nhưng theo Thứ trưởng, nếu làm tốt hơn ngay từ đầu thì sẽ bảo vệ được công sức phòng dịch thời qua, bởi phòng dịch tốt là biện pháp chống dịch hiệu quả và mềm dẻo nhất.
Quán triệt về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị, Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh quán triệt, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Không có tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi
Về việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Các địa phương đều chủ động triển khai các kế hoạch có sẵn về phòng, chống Covid-19.
Tại địa bàn Hà Nội, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng sản xuất ra. Lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng/ 2021 khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. Sở Công Thương Hà Nội xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ.
Ông Trần Ngọc Thực - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, dịch bệnh đang xảy ra tại 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bắc Ninh đã thần tốc truy vết F0, F1, khoanh vùng dập dịch, nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Song song đó, tỉnh cũng chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập “Tổ an toàn Covid-19” ngay tại đơn vị để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Về công tác đảm bảo nguồn cung, ngay từ cuối năm 2020, Sở Công Thương Bắc Ninh đã triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa theo từng cấp độ, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên địa bàn, tỉnh cũng yêu cầu ký cam kết, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống. Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng giá thiếu hàng.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Quốc Huy - Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho hay, đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hiện nay, tỉnh đã yêu cầu Ban quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị. Sở đã thành lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra do Phó Giám đốc trực tiếp đi kiểm tra tại các chợ, các doanh nghiệp, có báo cáo nhanh hàng ngày, có văn bản gửi đến để chấn chỉnh những địa bàn chưa thực hiện nghiêm hoạt động phòng, phòng chống dịch.
Riêng tại các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra đột xuất, nhìn chung hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện khá tốt.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình thị trường ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không biến động. Sở Công Thương thành phố cũng hướng dẫn các đơn vị đang kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn.
Ngoài ra, các tỉnh khác như Cà Mau, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Nỗ lực đảm bảo mục tiêu kép
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tăng cường đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
“Chúng ta thống nhất quán triệt việc tập trung cao cho phòng, chống dịch Covid 19 trong các cơ sở công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu hoạt động công nghiệp và thương mại trên địa bàn cả nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lúc này của của hệ thống chính trị, trong đó ngành Công Thương là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất” – Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng đề nghị đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự và lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc chỉ đạo, quán triệt các văn bản của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện nghiêm các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid 19 tại các cơ sở công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Với tinh thần hết sức cầu thị, Bộ Công Thương mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn, toàn diện hơn, thường xuyên hơn để chỉ đạo phòng, chống đại dịch Covid 19 tại các cơ sở công nghiệp trên phạm vi cả nước đạt kết quả.
Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Trung ương trong phòng, chống Covid-19 là phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu của mỗi cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này. Như vậy, các đồng chí Giám đốc Sở Công Thương, Cục trưởng Cục quản lý thị trường, người đứng đầu của các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp ủy, chính quyền, trước cấp trên trực tiếp về những nhiệm vụ trong phòng, chống đại dịch, về việc quán triệt thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như quán triệt những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương.
Từ đó, Bộ trưởng nêu những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, kiểm tra, yêu cầu các đơn vị tự đánh giá, tự rà soát, điều chỉnh những nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để thực hiện cho được những chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của ngành và những khuyến cáo của Ban chỉ đạo các cấp về phòng, chống đại dịch.
Thứ hai, lãnh đạo các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phải có cam kết bằng văn bản và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp trên trực tiếp về những nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi mà mình được giao.
Thứ ba, đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh không bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, kiểm tra ý thức trách nhiệm của các Sở Công Thương, của các Cục Quản lý thị trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19.
Thứ 4, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 đối với tất cả các cơ sở kinh doanh trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, thực hiện các biện pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đơn vị.
Thứ 5, từng địa phương và từng đơn vị cần xây dựng kịch bản và có phương án cách ly, xử lý khi có trường hợp mắc hoặc là có nhiều trường hợp mắc, lây lan diện rộng trong các khu công nghiệp, các khu thương mại và cần thiết thì tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch Covid 19 tại các khu công nghiệp, khu thương mại. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông tin người lao động ngoại tỉnh về làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ở địa phương.
Thứ 6, tất cả các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, sử dụng mã QR Code của đơn vị mình tại các địa chỉ tokhaiyte.vn để kiểm soát tất cả người lao động và khách hàng đi đến trong phạm vi ngành và đơn vị được phân công phụ trách.
Thứ 7, đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân thuộc ngành Công Thương ở các địa phương chấp hành không tốt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, để xảy ra tình trạng bùng phát và lây lan do nguyên nhân chủ quan dứt khoát sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật, xử lý theo quy định của ngành và địa phương. Đồng thời khen thưởng, động viên khen kịp thời đối với tổ chức, cá nhân làm tốt.
Đối với công tác bình ổn thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Về định hướng phát triển công nghiệp của các địa phương và trong phạm vi cả nước, trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phải tập trung quán triệt tinh thần thực hiện thật tốt các mục tiêu và kỳ vọng đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương quán triệt thật sâu sắc trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân để tạo nhận thức thống nhất và quyết tâm chính trị rất cao trong toàn hệ thống về các mục tiêu trở thành một nước công nghiệp và phát triển.
Trước mắt, từng địa phương cần quán triệt, xây dựng chương trình đầy đủ các Đề án, chiến lược để phát triển công nghiệp, thương mại địa phương dựa trên những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Đồng thời cần bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong việc đầu tư trung hạn và có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp thương mại cho địa phương.
Đặc biệt, quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách của địa phương để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp điện tử…, trong đó, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nguyên liệu, vật liệu có lợi thế tại địa phương.
Đồng thời đề nghị các địa phương có cơ chế trao đổi định kỳ để cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương về tình hình phát triển kinh tế tại địa phương, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách trong ngành Công Thương.
PV.