EU gỡ bỏ biện pháp kiểm soát Etylen oxit đối với các sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu của Việt Nam

Đăng ngày: 16/06/2022 , 23:50 GMT+7

Ngày 13 tháng 6 năm 2022, Liên minh châu Âu đã đăng công báo Quy định (EU) 2022/913 ngày 30 tháng 5 năm 2022 sửa đổi Quy định mới về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU (Quy định số (EU) 2021/2246), có hiệu lực từ 3/7/2022. Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại bún, miến, phở dạng khô ra khỏi danh mục quy định yêu cầu chứng thư từng lô hàng.

Sản xuất mỳ ăn liền

Trước đó, tháng 8 năm 2021, một số lô hàng mì ăn liền của Việt Nam bị cảnh báo thu hồi do chứa Etylen oxit (EO) tại nhiều nước châu Âu như: Thụy Sĩ, Na Uy, Anh, các nước EU. Sau vụ việc nêu trên, ngày 15/12/2021, EU đã ban hành quy định (EU) 2021/2246 điều chỉnh thực thi quy định (EU) 2019/1973 về việc tạm thời gia tăng các biện pháp kiểm soát chính thức một số hàng hóa nhập khẩu vào EU từ một số nước thứ ba.

Theo đó, sản phẩm chế biến bột dạng khô và dạng ăn liền của Việt Nam cần có chứng thư và bị tăng tần suất kiểm tra ngẫu nhiên lên 20%.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 6 tháng 1 năm 2022, chứng thư được cấp cho từng lô sản phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu Etylen oxit. Tuy nhiên sau đó, Uỷ ban Châu Âu đã đưa ra quy định chuyển tiếp áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày 6 tháng 1 năm 2022 đến ngày 17 tháng 2 năm 2022 mới bị kiểm tra EO.

Trước tình hình đó, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã giao Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại châu Âu để chủ động, kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm chế biến bột trong và ngoài nước nhằm duy trì các hoạt động xuất khẩu; thiết lập hệ thống kiểm soát chỉ tiêu EO trong thực phẩm thông qua mạng lưới các cơ quan kỹ thuật, cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước; hướng dẫn các doanh nghiệp trong ngành gia tăng các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, tập trung vào hệ thống các nhà cung ứng nguyên liệu và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu EO theo quy định của EU; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, xây dựng quy định mức ngưỡng giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Đây là những cơ sở quan trọng, được EU đánh giá cao để xem xét, điều chỉnh kịp thời biện pháp kiểm soát đã được quy định từ đầu năm 2022 đến nay.

Đặc biệt, tại Phiên họp trực tuyến Ủy ban SPS Việt Nam-EU vào tháng 5 năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã nêu quan điểm đề nghị EU chỉ xem xét các biện pháp kiểm soát EO trong sản phẩm mì ăn liền và loại trừ các sản phẩm chế biến bột khác, công bố số liệu kiểm nghiệm ngẫu nhiên để xác định tần xuất xuất hiện EO trong sản phẩm mì nhập khẩu từ Việt Nam và các quốc gia khác, kế hoạch chuyển sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II sang Phụ lục I.

Như vậy từ ngày 03 tháng 7 năm 2022, các lô hàng bún miến phở dạng khô xuất khẩu sang EU không cần bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và cũng không bị kiểm soát tại cửa khẩu của EU. Biện pháp nới lỏng trên giúp doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chế biến bột tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác có hiệu quả các thị trường còn tiềm năng, các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục kiến nghị EU đánh giá tần suất về việc tuân thủ các yêu cầu/quy định về dư lượng EO trong quá trình kiểm soát của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm chế biến từ bột để từng bước xem xét, dỡ bở biện pháp kiểm soát theo theo EU 2246/2021 hoặc chuyển từ phụ lục II sang phụ lục I trong thời gian tới.

PV.

Đăng ngày: 16/06/2022 , 23:06 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác