Toàn cảnh cơ sở dự trữ dầu thô ở Cushing, Oklahoma (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giá dầu châu Á biến động mạnh trong phiên giao dịch chiều 7/2, khi nhiều nhà đầu tư chốt lời sau khi có các dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, trong khi số khác vẫn giữ tâm lý lạc quan nhờ hoạt động tiêu thụ gia tăng giữa lúc nguồn cung vẫn căng thẳng.
Vào lúc 14 giờ 58 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2 xu Mỹ xuống 93,25 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 3/10/2014 là 94 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 47 xu Mỹ, hay 0,5%, và được giao dịch ở mức 91,84 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm xuống đến 91,35 USD/thùng rồi lại tăng lên 92,73 USD/thùng.
Ông Tatsufumi Okoshi, chuyên gia cấp cao của công ty chứng khoán Nomura Securities (Nhật Bản), cho biết nhiều nhà đầu tư đã chốt lời ngắn hạn trước những thông tin cho thấy các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran đã có tiến triển, nhưng thị trường vẫn chứng kiến hoạt động mua mới sau một đợt điều chỉnh kỹ thuật, khi nguồn cung toàn cầu được dự đoán sẽ vẫn thắt chặt.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran nhằm tạo điều kiện cho các dự án hợp tác hạt nhân quốc tế. Nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran, quốc gia Trung Đông này có thể tăng cường xuất khẩu dầu, từ đó làm gia tăng nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Kazuhiko Saito, chuyên gia phân tích trưởng của công ty chứng khoán Fujitomi Securities Co Ltd (Nhật Bản), cho biết tâm lý thị trường nhìn chung vẫn lạc quan, với các dự đoán giá dầu Brent sẽ chạm ngưỡng 100 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, vẫn chưa đạt được các mức sản lượng mục tiêu. Trong khi đó, tại Mỹ, dù số giàn khoan hoạt động đã tăng liên tiếp 18 tháng qua, nhưng sản lượng dầu vẫn thấp hơn nhiều so với các mức cao kỷ lục trước đại dịch./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)