Châu Âu muốn tăng gấp đôi thị phần sản xuất chip điện tử

Đăng ngày: 05/02/2022 , 23:23 GMT+7

EC dự kiến sẽ đầu tư hàng chục tỷ euro cho kế hoạch trên nhằm nâng thị phần sản xuất chip điện tử từ mức 10% hiện nay lên 20% vào năm 2030.

 

(Nguồn: solvay.com)

Trước xu thế số hóa ngày càng gia tăng và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu, Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu sẽ tăng gấp 4 lần quy mô sản xuất chất bán dẫn trong khối từ nay đến năm 2030 để có thể tăng gấp đôi thị phần sản xuất chip điện tử trên thị trường thế giới.

Phóng viên TTXVN tại Bỉ cho biết EC dự kiến sẽ đầu tư hàng chục tỷ euro cho kế hoạch trên nhằm nâng thị phần sản xuất chip điện tử từ mức 10% hiện nay lên 20% vào năm 2030, qua đó sẽ theo kịp mức tăng nhu cầu về chip trên toàn cầu trong cùng khoảng thời gian trên.

Cao ủy châu Âu về thị trường nội bộ Thierry Breton cho biết các quỹ châu Âu sẽ tài trợ một phần cho kế hoạch quan trọng này thông qua Đạo luật Chips và một khuôn khổ mới cũng cần được thiết lập để hỗ trợ các nước sản xuất chất bán dẫn, trong đó có việc đẩy mạnh thu hút đầu tư cho các "siêu nhà máy.”

Các công ty sẽ được khuyến khích lập kế hoạch đầu tư và đổi mới nhằm hướng tới việc sản xuất vi chip có kích thước nhỏ hơn 5 nanomet, thậm chí dưới 2 nanomet.

Bên cạnh đó, để ngăn nguy cơ xảy ra khủng hoảng nguồn cung chất bán dẫn, châu Âu sẽ áp đặt các quy tắc cung ứng mới để hỗ trợ sản xuất, kết hợp với tăng viện trợ công và cải thiện khả năng dự đoán cũng như phản ứng tốt hơn với tình trạng thiếu hụt.

Khi xảy ra khủng hoảng, các chính phủ có thể buộc các nhà sản xuất chỉ tập trung vào một số loại chip nhất định để hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài.

Dự kiến, Đạo luật Chips của châu Âu sẽ chính thức được công bố vào ngày 8/2 tới./.

 (Theo TTXVN/Vietnam+)

Đăng ngày: 05/02/2022 , 23:02 GMT+7

Tin liên quan