Tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa tại thị trường một số tỉnh phía Nam ngày 15/7/2021

Đăng ngày: 15/07/2021 , 16:44 GMT+7

Theo tin từ Tổng Cục quản lý thị trường, hàng hoá thực phẩm tại các siêu thị được người dân mua rất nhiều, mặc dù có nguồn hàng dự trữ, được bổ sung lên kệ liên tục nhưng đến chiều nhiều siêu thị tại TP HCM ngày 14/7 đã hết các loại rau, củ, trứng, bún...

 

Về tình hình cung ứng hàng hóa và giá cả

Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Việc cung ứng hàng hoá rất căng thẳng, do có tin đồn Thành phố sẽ bị phong toả từ ngày 15.7.2021, từ sáng ngày 14.7.2021 người dân đổ xô đến các siêu thị để mua hàng thực phẩm, nhiều siêu thị phát phiếu hẹn giờ đến mua hàng nhưng đến trưa, chiều có rất nhiều người không nhận được phiếu hẹn do số người có nhu cầu vào siêu thị quá đông siêu thị không thể phục vụ. Ở một số siêu thị không phát phiếu hẹn, có hàng trăm người xếp hàng. Do người vào siêu thị mua rất nhiều hàng thực phẩm, mặc dù có nguồn hàng dự trữ, được bổ sung lên kệ liên tục nhưng đến chiều nhiều siêu thị đã hết các loại rau, củ, trứng, bún, nui. Đến tối có rất nhiều người dân có nhu cầu nhưng chưa được vào siêu thị để mua. Một số hộ dân bán các loại rau, củ, quả, trứng với giá cao hơn siêu thị 30%-50%, không loại trừ nguồn hàng này mua từ siêu thị.

Tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam bộ: Có nguy cơ thiếu hàng tại siêu thị, không đáp ứng được nhu cầu của người dân do các kho trung chuyển của các hệ thống bán lẻ ở miền Tây đặt tại thành phố Cần Thơ nhưng khi xe thực phẩm từ Thành phố Hồ Chí Minh chuyển hàng về, theo quy định phòng chống dịch, tài xế phải xét nghiệm nhanh Covid-19. Ngành y tế không có đủ điều kiện xét nghiệm, không có chỗ xét nghiệm, giải pháp đưa ra là tài xế ở Cần Thơ ra thay tài xế của xe từ Thành phố Hồ Chí Minh để vận chuyển hàng hóa vào trung tâm thành phố Cần Thơ nhưng một số tài xế xe thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý và đã quay ngược xe về lại Thành phố Hồ Chí Minh; giấy xét nghiệm các tài xế đã hết hạn và chưa có nơi để đăng ký xét nghiệm lại.

Tại tỉnh Đồng Nai: Đến sáng ngày 15/7/2021, sức mua của người dân đã dần ổn định hơn so với những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, trên thị trường hiện tại không có tình trạng gom hàng đầu cơ.

Tại các siêu thị: theo thống kê sơ bộ thì lượng khách mua sắm tại siêu thị ngày hôm nay đã giảm so với các ngày trước. Nhóm hàng rau củ, quả, thịt cá vẫn trong tình trạng nhu cầu cao, sức tiêu thụ rất nhanh.

Về mặt hàng khẩu trang y tế: Các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay sức mua có tăng nhẹ so với bình thường, nguồn cung dồi dào, giá cả không thay đổi.

Về mặt hàng gạo: Nguồn cung gạo dồi dào đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng trên địa bàn, giá cả một số địa bàn tăng nhẹ 200-500đồng/kg

Mì ăn liền: được người dân mua với số lượng lớn, một số nơi còn ít hàng do chưa kịp phân phối, giá cả không thay đổi. Hiện nay, mặt hàng mì Hảo Hảo tại một số địa phương có khan hiếm do nhu cầu của người dân lớn, các cơ sở kinh doanh chưa kịp nhập hàng.

Nhóm hàng rau xanh nguồn cung dồi dào, giá cả tăng từ 5.000đ – 10.000đ/kg so với trước khi giãn cách. Nguyên nhân do thương lái phân phối tăng giá.

Tại tỉnh Bình Dương:

Tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá, .. các loại thực phẩm thiết yếu khác tại chợ truyền thống, ngày 14/7/2021, giá cả một số mặt hàngđã giảm từ 10% đến 40% so với ngày 01/7/2021, sức mua và bán cũng giảm khoảng 50% do tiểu thương tại các chợ truyền thống và người tiêu dùng phải thực hiện giãn cách xã hội theoChỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, các chợ truyền thống bị phong tỏa, tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 35 %.

Tình hình cung ứng và giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà phòng, khẩu trang tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích giá cả ổn định, hàng hóa không khan hiếm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.Sức mua hàng hóa của người tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện áp dụng kinh doanh qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, đặt hàng online, app đặt hàng qua Grab tăng khoảng 70%.

Tại tỉnh An Giang: chiều ngày 14.7.2021, sau khi có thông báo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Tại 02 thành phố và 07 huyện, người dân đổ xô đến các chợ truyền thống mua các loại rau, củ, quả, thịt cá, trứng, giá các mặt hàng rau tăng rất cao, trên 3-4 lần. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, việc người dân đến chợ mua hàng tăng cao diễn ra trong khoảng 02 tiếng (từ 16 giờ - 18 giờ),việc nâng giá xảy ra ở các quầy bán “hàng bông” (rau, củ) nhỏ lẻ, không có việc gom hàng, găm hàng, nâng giá làm bất ổn thị trường. Sau 18 giờ ngày 14/7/2021 tại các chợ hoạt động mua bán trở lại bình thường, giá hàng tăng nhẹ khoảng 5%-10%.

Tại tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngày 15/7/2021, ngày thứ 2 thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, sức mua tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trở lại bình thường, một số nơi vắng khách, hàng hóa được cung ứng đủ, giá cả ổn định.

Tại các tỉnh khác, do lo ngại tình hình dịch Covid-19 nên người dân cũng tăng mua các loại thực phẩm thiết yếu, nhìn chung thị trường vẫn đảm bảo cung ứng, giá các loại rau, củ, quả, trứng tăng 10%-50%.

Tình hình kiểm tra, kiểm soát chống đầu cơ, găm hàng tăng giá tại các địa phương

Cục QLTT tỉnh Đồng Nai: Kết quả công tác kiểm tra, xử lý từ 08/7 đến nay:đã kiểm tra, xử phạt 12 vụ, số tiền là 9.000.000đ (không thực hiện niêm yết giá bán)

Ngày 13.7.2021, Đội QLTT số 2 tham gia Đoàn Kiểm tra phòng chống COVID của UBND TP.Biên Hòa: phối hợp kiểm tra 08 cơ sở, phát hiện vi phạm: 04 cơ sở (chờ xử lý),nội dung: không chấp hành chỉ thị, tụ tập đông người; nhắc nhở 04 cơ sở; đã phối hợp kiểm tra 02 Siêu thị, nhắc nhở về việc chấp hành giữ khoảng cách, thực hiện 5K khi mua hàng.

Cục QLTT tỉnh Long An: Đội QLTT số 1 phối hợp với lực lượng chức năng lập biên 01 cơ sở kinh doanh tụ tập đông người, xử phạt 10 triệu đông.

Ngày 13.7.2021: Kiểm tra, xử phạt 03 vụ vi phạm không niêm yết giá, số tiefn 2.250.000 đồng

Cục QLTT tỉnh Tiền Giang: từ ngày 01/6/2021 đến nay Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang kiểm tra đột xuất 41 vụ, vi phạm 41 vụ, xử lý 43 vụ (02 vụ cũ),thu phạt 33.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm thiết yếu, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, găng tay y tế và nước rửa tay sát khuẩn không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.

Cục QLTT tỉnh Bến Tre: từ ngày 13/7/2021 kiểm tra, lập biên bản 01 vụ vi phạm niêm yết giá không đúng quy định.

Cục QLTT tỉnh Tây Ninh:Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành do UBND thị xã Hòa Thành chủ trì kiểm tra tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đã kiểm tra 03 quầy bán rau củ quả, 03 quầy thịt, 03 quầy trứng, 02 quầy cá và 01 quầy gạo ở Phường Long Hoa, Thị xã Hòa Thành. Kết quả không có vi phạm.

Tình hình tuyên truyền, phối hợp với các ngành chức năng chống dịch, kiểm tra, kiểm soát.

Các Đội QLTT đều công khai đường dây nóng 24/24h để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về thị trường hàng hóa và công tác phòng chống Covid-19

Ngoài nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, các Cục QLTT còn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chống dịch.

PV.

Đăng ngày: 15/07/2021 , 16:07 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác