Bản tin MXV tuần 15 - 21/11: Thị trường hàng hóa biến động mạnh

Đăng ngày: 22/11/2021 , 21:58 GMT+7

Đóng cửa tuần trước, thị trường hàng hóa diễn biến trái chiều với mức tăng của nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp bị kìm hãm trước đà giảm của nhóm năng lượng và kim loại, khiến chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,91% về 2.361 điểm

 

Mặc dù chỉ số MXV-Index Năng lượng giảm mạnh gần 3%, nhưng nhờ tính chất có thể đồng thời mua bán hai chiều của hàng hóa phái sinh khiến cho dòng tiến vẫn chảy mạnh vào nhóm hàng này với mức tăng trưởng lên đến hơn 50%, qua đó giúp giá trị giao dịch trung bình toàn Sở trong tuần vừa qua tiếp tục tăng gần 5% lên mức 4.600 tỷ.

Các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều

Kết thúc tuần giao dịch 15/11 – 21/11, nếu như giá đậu tương tăng mạnh thì đà tăng của lúa mì và ngô lại đang chững lại.

Giá đậu tương tăng gần 20 cents lên mức 1.263,25 cent/giạ. một loạt các đơn hàng lớn với tổng khối lượng lên đến hơn 550.000 tấn đậu tương đã được bán cho Trung Quốc, Mexico và một quốc gia giấu tên khác. Nhu cầu đậu tương trong thời gian tới cho việc ép dầu vẫn sẽ còn khá mạnh và hỗ trợ cho giá mặt hàng này.

Khô đậu tương trải qua mức tăng khá mạnh 2,7%. Trong khi đó, tác động bất lợi từ diễn biến của giá dầu thô, khi mặt hàng này đã giảm mạnh gần 5% đã khiễn cho dầu đậu tương sụt giảm 1,4%, về đóng cửa ở mức 58,16 cent/pound.

Giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 đã không có nhiều biến động lớn và kết thúc với mức giảm nhẹ 1,13% xuống gần vùng hỗ trợ 570 cents. Triển vọng tốt của vụ ngô thứ 2 tại Brazil kết hợp thị trường không còn lo ngại về việc La Nina sẽ ảnh hưởng tới mùa vụ ngô tại Argentina trong ngắn hạn đang khiến giá chưa thể trở lại phía trên vùng giá 580.

Lúa mì đóng cửa tuần trước chỉ tăng đúng 6 cents, tương đương với 0,73%. Nguồn cung là yếu tố tác động phần lớn lên đà tăng của giá và giúp hỗ trợ giá lúa mì duy trì ở vùng cao như hiện nay. Tại Nga, mặc dù thuế xuất khẩu ngô đã giảm nhưng thuế xuất khẩu lúa mì vẫn chưa có dấu hiệu điều chỉnh khi liên tục lập kỉ lục mới.

Cà phê Arabica tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ

Kết thúc tuần vừa qua, sự phân hóa rõ rệt xuất hiện trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều với giá Arabica bứt phá mạnh mẽ 5,16% lên 233, cents/pound, trong khi giá Robusta giảm 1,41% còn 2.245 USD/tấn.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV),sự dịch chuyển dòng vốn vẫn không phải là điều quá bất ngờ đối với các nhà đầu tư cà phê, nên khi một trong hai thị trường có tin tức mang yếu tố bất ngờ về nguồn cung, dòng vốn sẽ được ưu tiên hơn cho thị trường đó.

Và trong tuần vừa rồi, thị trường Arabica New York là thị trường được hưởng lợi hơn. Sự chậm trễ trong hoạt động hậu cần ở Brazil, cùng với những lo ngại về tiềm năng của niên vụ mới ở cả hai nước sản xuất chính là Brazil và Colombia vẫn tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của giá.

Đối với thị trường Robusta, tuy giảm nhưng giá đang có xu hướng tích lũy trong biên độ rộng từ 2.200 – 2.290 USD/tấn. Ngoài những lo ngại về chuỗi cung ứng, chênh lệch giá giữa hai Sở đang được gia tăng mạnh thời gian gần đây đang là yếu tố hỗ trợ cho giá trong tuần này.

Giá bông tăng nhẹ 1,2% trong tuần qua lên 116,43 cents/pound. Tuy nhiên, đà tăng của giá hiện đã chững lại và liên tục gặp sức ép trước các số liệu xuất khẩu tiêu cực.

Giá hai mặt hàng đường đồng loạt giảm trong tuần trước với giá đường 11 giảm 0,1% còn 19,99 cents/pound, giá đường trắng giảm 0,7% còn 512,6 USD/tấn. Dù nhiều tin tức tiêu cực về nguồn cung ở Brazil vẫn đang hỗ trợ cho giá, nhưng triển vọng nhu cầu thiếu khả quan đang gây áp lực lên giá đường trong ngắn hạn.

Kim loại quý lao dốc do sức ép liên thị trường

Giá các mặt hàng kim loại chìm trong sắc đỏ khi kết thúc tuần vừa qua. Giá bạc giảm 2,23% còn 22,78 USD/ounce, giá bạch kim cũng lao dốc gần 5% còn 1.036 USD/ounce. Sự gia tăng phi mã của đồng USD và sự hồi phục của thị trường chứng khoán vẫn là yếu tố gây sức ép lên đà tăng của thị trường kim loại quý.

Đồng thời, chỉ số Dollar Index cũng tăng lên 96,03 điểm, mức cao nhất trong vòng 18 tháng. Áp lực lạm phát vẫn là yếu tố hỗ trợ giá cho các mặt hàng kim loại quý, tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng có nhiều lựa chọn khi phân bổ vốn vào các thị trường trú ẩn an toàn. Trong tuần vừa rồi, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Anh đều giảm, phản ánh dòng tiền đang chảy vào hai thị trường này.

Phần lớn các mặt hàng kim loại cơ bản đều đóng cửa trong sắc đỏ. Giá đồng giảm gần 1% còn 4,40 USD/pound. Thị trường đang bị kìm hãm nhiều bởi triển vọng tiêu cực của Trung Quốc, bất chấp việc tồn kho trên các Sở lớn đều giảm. Dự trữ đồng trên Sở LME giảm 7.225 tấn, còn Sở Thượng Hải giảm 3.119 tấn trong tuần trước.

Giá quặng sắt tăng 3% trong tuần vừa qua lên 91,06 USD/tấn. Mức tăng này không phản ánh nhiều về triển vọng trong giai đoạn tới của thị trường mà chỉ là một đợt tăng điều chỉnh. Triển vọng của thị trường quặng sắt vẫn rất tiêu cực tới ít nhất là hết quý I/2022, khi mà Trung Quốc đã hoàn thành đăng cai kỳ Thế vận hội mùa đông.

Giá dầu giảm 4 tuần liên tiếp, mất mốc 80 USD/thùng

Giá dầu giảm 4 tuần liên tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng khi các yếu tố hỗ trợ ngày càng suy yếu. Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI giảm 4,71% xuống 75,94 USD/thùng, trong khi giá Brent giảm 3,99% xuống 78,89 USD/thùng, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8.

Theo MXV, trái với kỳ vọng của thị trường trong 1 tháng trước, mùa đông càng đến gần, các yếu tố hỗ trợ giá dầu càng suy yếu, cả phía nguồn cung lẫn nhu cầu. Dịch COVID-19 gia tăng đột biến tại châu Âu, khu vực tiêu thụ dầu lớn trên thế giới khiến cho các quốc gia buộc phải cân nhắc lại các biện pháp phong toả và hạn chế đi lại mới được dỡ bỏ trong vài tháng ngắn ngủi. Điều này cho thấy tác động của của dịch COVID-19 kéo dài lâu hơn dự kiến, khiến cho nhu cầu đi lại và tiêu thụ nhiên liệu khó có thể gia tăng trong cuối năm như kỳ vọng trước đó.

Ở phía nguồn cung, yếu tố chính trị ngày càng trở thành tác nhân có ảnh hưởng lớn, khi nhóm các nước tiêu thụ dầu lớn, tiêu biểu là Mỹ, thách thức lại quyền lực của cartel lâu đời OPEC+. Sau khi các lời kêu gọi OPEC+ không được đáp ứng, nước Mỹ thấy rằng cần phải tự hành động để bảo vệ nền kinh tế, khi mà giá nhiên liệu tăng trở thành yếu tố lớn nhất thúc đẩy lạm phát.

(Theo baotintuc)

 

Đăng ngày: 22/11/2021 , 21:11 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác