Ngư dân thu vớt một số loại rong biển. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Việt Nam có hệ sinh thái biển đa dạng như đầm phá, bãi đá, rạn san hô... thích hợp cho nghề trồng rong biển, song đến nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để có chuỗi sản xuất đạt giá trị cao.
Để nghề nuôi trồng rong biển phát triển có hiệu quả cao và bền vững theo các chuyên gia, cần có cơ sở giống chất lượng để cung ứng cho người nuôi.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nâng cao sản lượng, chất lượng các loại rong biển; áp dụng hệ thống chứng nhận để kiểm tra chất lượng rong nuôi trồng, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn môi trường sinh thái.
Ngoài ra, các ngành chức năng và hệ thống ngân hàng cần áp dụng các chính sách cho vay ưu đãi, có chính sách hỗ trợ khuyến khích các hộ nuôi rong biển quy mô nhỏ liên kết thành chuỗi sản xuất bền vững.
Ông Đoàn Văn Dành, thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận canh tác khoảng 5.000 m2 rong sụn. Hàng năm với diện tích canh tác này, trong khoảng thời gian từ 5-6 tháng, gia đình ông thu được khoảng từ 35-40 tấn rong tươi. Giá bán tùy theo thị trường từ 3.500-5.500 đồng/kg mà thu nhập của gia đình ông dao động từ 100 triệu đồng trở lên.
Ông Dành là một trong những người trồng rong sụn đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận từ năm 1995. Với 27 năm kinh nghiệm trong nghề trồng rong sụn ông cho rằng, giống rong và đầu ra là 2 yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của rong sụn.
Đối với giống, người nông dân phải thay giống hàng năm, phải đảm bảo nguồn giống chất lượng, đáp ứng yêu cầu hàm lượng dinh dưỡng cao theo các nhà máy yêu cầu. Đặc biệt, cây rong sụn chỉ sống nhờ nguồn nước biển tự nhiên, nên nguồn nước nuôi rong cũng cần phải đảm bảo yếu tố sạch, độ mặn phù hợp, mức độ gió vừa phải.
Thị trường đầu ra rong sụn trong những năm qua ở Ninh Thuận rất bấp bênh, có năm người dân được mùa thì giá chỉ còn 2.000 đồng/kg rong tươi, có năm lại lên mức rất cao. Việc này, ảnh hưởng rất lớn đến định hướng nuôi trồng bền vững của người nông dân.
“Nông dân-doanh nghiệp-nhà nước cần liên kết phát triển bền vững các khâu lại với nhau. Trước mắt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ người dân phương pháp tự nhân giống rong sụn F1. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tự chủ được nguồn rong giống F0 để phát triển nghề nuôi trồng và thị trường đầu ra ổn định,” ông Dành mong muốn.
Rong nho được du nhập vào Khánh Hòa vào năm 2004 và trồng thành công ở tỉnh này với vùng trồng tiềm năng khoảng 400 ha. Hiện diện tích trồng rong nho khoảng 100 ha, năng suất từ 10-20 tấn/ha/năm, giá bán từ 8-10 USD/kg rong tươi.
Ông Lê Bền, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trí Tín (Khánh Hòa) cho hay, từ những ao đìa nuôi tôm kém hiệu quả khi chuyển sang trồng rong nho đã cho hiệu quả kinh tế rất cao. Trồng rong nho không phải lo lắng nguồn oxy trong nước hay dư lượng thức ăn trong ao đìa lớn sẽ làm chết cây, bởi trồng rong nho hoàn toàn nhờ tự nhiên, cây sinh trưởng nhờ hàm lượng vi sinh vật trong nước biển và độ mặn của muối.
Thế nên, trồng rong biển sẽ làm sạch môi trường. Tuy nhiên, hiện nay người dân trồng ồ ạt, chất lượng đầu ra của sản phẩm cũng không được tuyển chọn kỹ, nguy cơ làm mất thương hiệu rong nho “Made in VietNam” trong tương lai là cần phải cân nhắc.
“Theo tôi, cần có một cơ quan kiểm định nguồn giống, để đảm bảo chất lượng cho người trồng cũng như doanh nghiệp. Người dân Việt Nam trồng trọt theo kinh nghiệm, chưa chú trọng đến vấn đề này. Do đó, truyền thông về vấn đề này cần được đẩy mạnh hơn nữa,” ông Lê Bền khẳng định.
Nói đến chất lượng sản phẩm, ngoài giống còn phải chú trọng đến kỹ thuật nuôi trồng Theo ông Lê Bền, mỗi người dân, doanh nghiệp có sự liên kết với nhau, hướng dẫn phương pháp canh tác để cùng chia sẻ lợi nhuận. Ngoài ra, để tăng cường giá trị gia tăng của rong biển, việc kết hợp nuôi trồng, chế biến rong biển với du lịch cũng rất khả thi.
Rong biển Việt Nam thông qua các chương trình du lịch sẽ được quảng bá mạnh mẽ đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đó, giúp rong biển có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và người nông dân có niềm tin vào việc trồng rong biển.
Khung rong nho giống. (Nguồn: TTXVN)
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản thông tin, việc khai thác tiềm năng mặt nước ven biển ở các tỉnh miền Trung để trồng rong biển đã giúp người dân khai thác nhỏ lẻ hiện nay chuyển sang nghề nuôi trồng bền vững, mặc khác giúp cho đời sống của họ được cải thiện.
Lợi ích lớn hơn, rong biển là đối tượng nuôi trồng chỉ cần công lao động, không cần chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ góp phần thuận lợi trong việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản ven biển.
Quan trọng nhất tiềm năng ngành này trong tương lai có thể phát triển mạnh, ở các sản phẩm phục vụ cho ngành dược, thực phẩm chức năng cho con người... nên rất được người dân ven biển các tỉnh miền Trung chú trọng trồng và học hỏi kinh nghiệm. Thế nhưng, trước mắt, ngành nuôi trồng rong biển vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn ban đầu. Để thuận lợi, Tổng cục Thủy sản đã triển khai nhiều cuộc họp, dự án liên quan vấn đề này.
“Chúng tôi đang phối hợp với tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam triển khai Dự án 'Xây dựng chuỗi rong biển bền vững tại Việt Nam.' Chúng tôi kỳ vọng, thông qua dự án có thể đưa ra hướng nhập hoặc làm lại giống rong biển mới có hàm lượng gelatin lớn nhất. Từ đây, giúp người nuôi trồng rong biển nâng cao nâng lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, mở rộng diện tích tiềm năng, kéo dài chuỗi giá trị và tiến tới nền nông nghiệp tuần hoàn,” ông Trần Đình Luân nói.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện diện tích tiềm năng trồng rong sụn cả nước khoảng 900 nghìn ha, tương đương sản lượng 600-700 nghìn tấn rong khô/năm. Trong số hơn 800 loài rong biển trên thế giới, có 90 loài có giá trị kinh tế.
Riêng Việt Nam có 20 loài rong biển chứa chất agar (dùng trong chế biến thực phẩm); trong đó, có 7 loài rong biển phổ biến có giá trị kinh tế cao như: rong nho; rong câu chỉ vàng; rong câu thắt; rong câu cước; rong sụn; rong bắp sú và rong sụn gai.
Việt Nam có 40% sản phẩm rong tươi chế biến thành rong trắng làm thực phẩm và bán trên cả nước. Gần đây, rong biển ở Việt Nam được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng như snack, thực phẩm chức năng, thực phẩm phụ gia, bánh kẹo... và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến rong biển thành các sản phẩm có giá trị cao hơn./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)