Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam và kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới

Đăng ngày: 28/10/2021 , 10:35 GMT+7

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành công nghiệp ô tô có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Sự phát triển của CNHT ngành ô tô sẽ tạo thêm điều kiện, cơ hội để hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước ta nhưng CNHT cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Vai trò của CNHT cho ngành công nghiệp ô tô phát triển

Hiện nay, nền công nghiệp ô tô thế giới do các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh và chi phối trong đó, 15 Tập đoàn hàng đầu chiếm 82% thị trường ô tô toàn cầu. Đây là lĩnh vực được tổ chức rất chặt chẽ, với một số ít thành viên dẫn dắt là các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) giữ vai trò chính trong đổi mới, phát triển sản phẩm, đảm bảo nguyên liệu, định vị sản xuất, chuyển giao thông tin và công nghệ, tổ chức vận chuyển, thực hiện marketing, tiêu thụ và dẫn dắt trong từng chuỗi giá trị.

CNHT ngành ô tô là lĩnh vực tạo cơ sở để thực hiện hội nhập kinh tế. Các sản phẩm CNHT luôn hiện hữu, không tách rời và cấu thành trong các sản phẩm của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới như tại các nước: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… trở thành một bộ phận trong hệ thống chuỗi sản xuất linh kiện phụ trợ, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. CNHT ngành ô tô phát triển có hiệu quả sẽ tạo điều kiện mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),góp phần tạo tăng trưởng bền vững.

Tại Việt Nam, phát triển CNHT cho ngành ô tô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực sản xuất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự phong phú, đa dạng của các loại chi tiết, linh kiện phụ tùng sẽ thu hút hàng ngàn các DNNVV trong nước tham gia vào quá trình sản xuất, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, đặc biệt tạo cơ hội to lớn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp nhận và làm chủ công nghệ nước ngoài, học hỏi những kinh nghiệm quản lý tiên tiến cho hệ thống DNNVV của Việt Nam. Phát triển CNHT cho ngành ô tô giúp nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời tạo sự phát triển bền vững.

CNHT ngành ô tô phát triển sẽ có tác động tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, CNHT ngành ô tô sẽ tạo ra hiệu ứng kéo theo các ngành công nghiệp khác phát triển (như các ngành luyện kim, nhựa, cao su, hóa chất, dệt may, điện – điện tử…),góp phần giải quyết việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng trong nước, mở rộng quy mô thị trường của các ngành công nghiệp này. Ngược lại, nếu CNHT ngành ô tô không phát triển thì ngành sản xuất ô tô sẽ phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì thế, phát triển CNHT sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để hạn chế nhập siêu, tăng nguồn thu ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực trạng CNHT ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh chung, quy mô thị trường trong nước còn nhỏ không phát triển mạnh như các quốc gia khác. Các sản phẩm CNHT chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong khi thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện hội nhập quốc tế thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do vì thế các chính sách hỗ trợ phải tuân thủ các cam kết quốc tế và không được ưu tiên quá nhiều.

Việt Nam cũng chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan tỏa trong ngành CNHT và cũng chưa được tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Bởi lẽ, yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu và các doanh nghiệp nước ngoài vượt quá khả năng đáp ứng của doanh nghiệp CNHT cho ngành ô tô trong nước. Những yêu cầu của khách hàng càng ngày càng khắt khe, không chỉ về giá cả, công nghệ, chất lượng, giao hàng mà còn cả yêu cầu về trách nhiệm xã hội liên quan đến an toàn, môi trường, điều kiện lao động…

Nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT của ngành ô tô như thép chế tạo, nhựa, cao su và chất dẻo… các doanh nghiệp trong nước vẫn phải dựa vào việc nhập khẩu là chính. Điều này làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh. Trong lĩnh vực CNHT cho ngành ô tô, so với thế giới, hầu hết các doanh nghiệp trong nước có năng lực sản xuất thấp, quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu phát triển từ các nghề cơ khí, sản xuất chất dẻo, nhựa…

Năng lực về vốn, trình độ công nghệ hạn chế, không có nhiều kinh nghiệm trong ngành ô tô nên dẫn đến tình trạng đầu tư thường manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm chủ yếu là các linh kiện giản đơn, có giá trị thấp. Ngay với các lĩnh vực điện – điện tử tuy đã có những tiến bộ song vẫn còn một khoảng cách khá xa về sự đa dạng về chủng loại mẫu mã, chất lượng sản phẩm và khả năng đáp ứng đúng thời hạn giao hàng một cách khắt khe… so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…

Nhiều doanh nghiệp CNHT cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa có được niềm tin từ các doanh nghiệp FDI về khả năng cung ứng các linh phụ kiện phục vụ lắp ráp ô tô. Nguyên nhân chủ yếu là do không có khả năng hoặc rất khó đáp ứng một cách đầy đủ các yêu cầu khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu và thời hạn giao hàng, nhất là với những lô hàng lớn từ phía các doanh nghiệp lắp ráp ô tô có nguồn vốn nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp CNHT Việt Nam mặc dù có khả năng sản xuất được một số chi tiết, linh kiện nhưng do chưa hiểu rõ được văn hóa kinh doanh, thiếu khả năng thuyết phục các doanh nghiệp FDI sử dụng sản phẩm của mình.

Khả năng nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm mới của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn rất hạn chế. Đại bộ phận sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất theo mẫu mã hoặc nhái lại mẫu mã của nước ngoài. Thực trạng này có thể được lý giải là do hầu hết các doanh nghiệp CNHT Việt Nam không có bộ phận nghiên cứu phát triển, đội ngũ kỹ sư nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm mới rất thiếu và yếu, thiếu trang thiết bị thí nghiệm hiện đại và chi phí đầu tư cho hoạt động này thấp.

Sự liên kết giữa các doanh nghiệp CNHT và lắp ráp ô tô, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau còn rất hạn chế. Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất linh kiện độc lập, kết nối chặt chẽ được với các doanh nghiệp lắp ráp, thiếu khả năng tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước đa số mới thành lập, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động phát triển các cơ sở CNHT, thu hút các vệ tinh, các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng.

Từ góc độ nghiên cứu cho thấy nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đang đi theo con đường mà các quốc gia đi trước đã từ bỏ, đó là tự cung tự cấp hoặc độc quyền, khép kín trong sản xuất ô tô. Các chuỗi cung ứng nội bộ từng công ty đang được hình thành nhưng chủ yếu dưới dạng công ty mẹ con, số thành viên trong chuỗi rất ít, chưa phát triển thành các mạng sản xuất dưới dạng các công ty độc lập có quan hệ hợp tác kinh doanh dựa trên hợp đồng dài hạn. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung và CNHT cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng phát triển phân tán rời rạc, mối quan hệ lỏng lẻo giữa các nhà lắp ráp và các nhà cung ứng.

Những khó khăn trong phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam

Quyết định số 1168/QĐ-TTg (ban hành 16/7/2014) phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định số 1211/QĐ-TTg (ban hành 24/7/2014) phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp (CN) ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hướng đến mục tiêu xây dựng ngành CN ô tô Việt Nam trở thành ngành CN quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh; tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành CN khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất CN ô tô thế giới.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới. 

Về phát triển công nghiệp hỗ trợMục tiêu của Chiến lược là giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Giai đoạn 2026-2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Chiến lược phấn đấu năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc. 

Cụ thể, mục tiêu phát triển CNHT đề ra:

+ Giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng ~ 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

+ Giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ),từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

+ Giai đoạn 2026 - 2035, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 65% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Việc xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam (năm 2014) với các mục tiêu cụ thể như trên chưa thực sự chú trọng đến tính khả thi. Những mục tiêu cụ thể đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô nói chung, CNHT cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng đều không thực hiện được. Điều này cho thấy việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam chưa dự tính được những thay đổi căn bản trong xu hướng phát triển của mô hình tổ chức sản xuất công nghiệp trên thế giới mà cụ thể hơn là chưa tranh thủ đón đầu được xu thế các công ty ô tô lớn trên thế giới chuyển dịch đầu tư CNHT sang các nước đang phát triển có những lợi thế so sánh. Ngoài ra, trong nội dung quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa và chính quan điểm cũng như cách tiếp cận chỉ gắn với nhu cầu của thị trường nội địa hạn hẹp đã không kích thích được các tập đoàn sản xuất chính hãng đầu tư dẫn dắt nên CNHT cho ngành công nghiệp ô tô khó có điều kiện phát triển.

Hệ thống chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô còn có những mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu tính ổn định. Khó khăn trong việc phát triển CNHT cho ngành ô tô còn do những chính sách của nhà nước có mâu thuẫn lẫn nhau. Ví dụ như chủ trương hạn chế tiêu dùng ô tô cá nhân mâu thuẫn với quan điểm và định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô.

Thực tế, nhiều quốc gia thành công trong phát triển ngành công nghiệp ô tô đã chỉ ra rằng có mối liên hệ rất chặt chẽ giữa ngành sản xuất ô tô với nhu cầu mua sắm của các gia đình. Hạn chế tiêu dùng ô tô dẫn đến nhu cầu linh kiện, phụ tùng dùng để lắp ráp ô tô sẽ ít đi hoặc có tăng nhưng mức tăng không đáng kể. Thị trường nhỏ, không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp CNHT trong nước bên cạnh việc còn nhiều khó khăn thì việc sản xuất chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa, khả năng xuất khẩu thấp nên khó có thể đảm bảo quy mô sản xuất kinh tế. Không chỉ mâu thuẫn, chính sách còn thay đổi liên tục và quá nhanh trong một thời gian ngắn.

Chính phủ hiện vẫn chưa có cơ chế ràng buộc các nhà đầu tư trong thực hiện tỷ lệ nội địa hóa mà chủ yếu dựa trên cam kết của họ. Đồng thời, việc ban hành chính sách bảo hộ trong thời gian này cơ bản dựa trên kinh nghiệm của các nước đi trước, tuy nhiên tư duy này không còn phù hợp với đặc điểm của môi trường kinh doanh quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Với những quy định của WTO và xu thế phát triển chuỗi cung ứng hay mạng sản xuất toàn cầu thì không nhất thiết phải phát triển CNHT theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa. Phát triển CNHT phải trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các hãng lớn.

Công tác tổ chức, quản lý, điều hành việc triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô còn nhiều hạn chế. Việc tham mưu tư vấn xây dựng chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô hiện vẫn do nhiều Bộ, ngành thực hiện và thực sự chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong ban hành và thực thi chính sách.

Việt Nam cũng chưa thiết lập được hệ thống thống kê đầy đủ về ngành CNHT nói chung, CNHT cho ngành ô tô Việt Nam nói riêng. Hệ thống cơ sở dữ liệu về CNHT còn chưa hoàn thiện, chưa tạo thuận lợi trong việc thu thập, phân loại, tổng hợp, lưu trữ, kết nối và chia sẻ thông tin về các tình hình hoạt động của doanh nghiệp CNHT cho ngành ô tô. Vì vậy, thông tin về lĩnh vực hoạt động, khả năng của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam rất ít, không đủ để tạo nên cơ sở dữ liệu trợ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm thông tin về nhu cầu đối với các chi tiết, linh kiện, về năng lực cung cấp các linh kiện, phụ tùng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng… để liên kết với nhau trong hoạt động.

Một số kinh nghệm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về phát triển CNHT cho ngành ô tô

Thứ nhất, cần xây dựng chiến lược phát triển CNHT cho ngành ô tô tổng thể với lộ trình và bước đi thích hợp. Sự thành công của nền công nghiệp ô tô Thái Lan bắt đầu bằng việc xây dựng được một chiến lược tổng thể và tập trung nguồn lực phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô. Việc tạo dựng được một mạng lưới CNHT cho ngành công nghiệp ô tô vững mạnh với trình độ công nghệ cao đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan.

Thứ hai, tạo thị trường cho CNHT ngành ô tô dựa trên sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa.

Thứ ba, phát triển ngành ô tô và CNHT ngành ô tô đi đôi với quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng cho CNHT. Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng (cụm) phát triển CNHT nói chung và CNHT cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng nhằm giảm thiểu chi phí giao dịch, cải thiện năng lực cạnh tranh. Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy, sự kết hợp giữa quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đã góp phần tạo nên sự thành công của nền công nghiệp ô tô Thái Lan nói chung và CNHT cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng.

Thứ tư, thu hút đầu tư có chọn lọc, nhất là FDI, hướng đầu tư trực tiếp cả trong và ngoài nước vào các lĩnh vực CNHT cho ngành công nghiệp ô tô. Hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán, ổn định, minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô ở một số nước nhằm thu hút đầu tư từ các hãng sản xuất ô tô lớn nước ngoài, khuyến khích họ tìm kiếm các đối tác cung ứng trong nước. Việc thu hút chọn lọc một số hãng FDI như những đối tác chiến lược trong hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, hướng vào một số lĩnh vực CNHT cho ngành ô tô mũi nhọn trong nước là biện pháp quan trọng để thúc đẩy CNHT cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Thứ năm, nhất quán phát triển nền CNHT cho ngành công nghiệp ô tô dựa trên nền tảng phát triển hệ thống DNNVV. Thúc đẩy đầu tư liên kết, liên doanh trong học hỏi công nghệ nâng cao năng lực sản xuất trong CNHT cho ngành công nghiệp ô tô. Hỗ trợ và khuyến khích vai trò đầu tàu của hãng được chọn trong thiết lập các vùng (cụm) công nghiệp lớn, trong đó hội tụ các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành CNHT, nhằm hình thành các mạng sản xuất và vùng cung ứng.

Thứ sáu, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ phát triển của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong các chương trình, dự án, thay vì chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đóng một vai trò hỗ trợ mang tính tích cực, có khả năng xây dựng, đề xuất, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án cụ thể cũng như quản lý điều hành, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện các chiến lược, chính sách và các chương trình phát triển.

Thứ bảy, xây dựng các chương trình nhằm điều phối, kết nối và xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước với các doanh nghiệp CNHT cho ngành ô tô, nhằm tạo ra các liên kết đủ lớn để có được lợi thế theo quy mô. Chính phủ cần khuyến khích, thúc đẩy các mối liên kết theo cả chiều dọc và ngang trong chuỗi giá trị.

PV.

Đăng ngày: 28/10/2021 , 10:10 GMT+7

Tin liên quan