Kết nối tiêu thụ hàng hóa: Trợ lực đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu

Đăng ngày: 20/05/2022 , 21:26 GMT+7

Việc triển khai các đề án cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp là hết sức cần thiết, qua đó kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm.

Kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Tạo “cầu nối” để các nhà cung cấp liên kết tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu thời gian qua đã được Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến thương mại liên tục triển khai và đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.

Vì vậy, nhằm đón đầu những cơ hội mới, ngày 20/5, Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại đã được Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội. 

Liên kết cùng có lợi

Trong 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động xúc tiến thương mại tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thích ứng linh hoạt và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại từ trực tiếp sang trực tuyến, song nhiều địa phương vẫn cần những thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết trong những năm qua Điện Biên đã từng bước phát huy lợi thế, khắc phục những khó khăn hạn chế để thiết lập các quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa và trao đổi thương mại biên giới với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc),thu hút hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Một số sản phẩm sản xuất tại Điện Biên như ximăng, chè tuyết shan, càphê, cao su, nông sản và thực phẩm chế biến đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu sang các tỉnh Bắc Lào, có đóng góp tích cực cho thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đóng góp cho ngân sách Nhà nước và xây dựng khu vực biên giới hòa bình ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, do năng lực sản xuất nội tại còn hạn chế, các sản phẩm có phẩm cấp cao với số lượng lớn còn ít trong khi điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, các tỉnh nước bạn có chung biên giới với tỉnh Điện Biên đều thuộc khu vực kém phát triển của mỗi nước.

Đặc biệt, dịch bệnh COVID -19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, nên kinh tế đối ngoại và xuất nhập khẩu của Điện Biên còn có kết quả rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế mong muốn.

Từ thực tế đó, ông Toàn kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành địa phương hỗ trợ Điện Biên quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản và hỗ trợ, kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Điện Biên vào tiêu thụ ổn định tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu đặc biệt là giới thiệu các thị trường, khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm của địa phương.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn bán lẻ lớn đã và đang đẩy mạnh kết nối với các địa phương để "bắt tay" tiêu thụ sản phẩm, song để khai thác hết tiềm năng cũng như xây dựng thương hiệu một cách bền vững vẫn cần những "cú huých" mạnh mẽ hơn.

Với Saigon Co.op, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc thường trực doanh nghiệp này cho hay trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì khai thác xuất khẩu gần 70 tỷ đồng các loại nông sản thực phẩm chế biến của Việt Nam. Những thị trường Saigon Co.op hướng đến là Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Canada, Mỹ, châu Âu.

Còn tại khu vực miền Bắc, Saigon Co.op đang khai thác hàng của gần 100 nhà cung cấp với nhiều nhóm hàng rau, trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, trứng,…

Tổng lượng hàng cung ứng cho hệ thống của Saigon Co.op xấp xỉ 5.000 tấn/năm với doanh số trên 150 tỷ đồng, trong đó, các nhóm hàng chính là rau và trái cây như Cam Hà Giang, Cam lòng vàng, Cam Cao Phong, Xoài Sơn La, Vải thiều Bắc Giang... chiếm gần 50% sản lượng tiêu thụ, cung cấp cho các điểm bán tại khu vực, đồng thời đối lưu cho các điểm bán tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

"Trong năm 2022, Saigon Co.op sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác các sản phẩm tại các tỉnh thành khu vực phía Bắc cũng như các khu vực khác trên cả nước, chú trọng khai thác thêm các sản phẩm OCOP, với mức tăng dự kiến khoảng 5-10% tùy nhóm hàng," đại diện Saigon Co.op thông tin thêm.

Tạo chuỗi liên kết bền vững

Dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của cộng động doanh nghiệp. Song song đó, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thiếu hụt nguyên liệu dẫn tới sụt giảm doanh thu.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình mới; trong đó, hoạt động kết nối giao thương cung cầu hàng hóa luôn được trú trọng thực hiện. Ngoài ra, các hoạt động kết nối giao thương bằng nhiều hình thức thích hợp sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, việc triển khai các đề án cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết, qua đó kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân.

Năm 2020, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối phối hợp với 5 địa phương (Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái) đồng tổ chức “Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” lần đầu tiên rất thành công.

Thông qua chương trình đã giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, kết nối hiệu quả nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức Xúc tiến thương mại theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng.

"Năm 2022 với sự tham dự của hơn 400 doanh nghiệp từ 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, quy mô gấp 5 lần so với năm 2020, chúng tôi rất kỳ vọng và mong nhận được sự quan tâm cao nhất của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Từ đó, tạo nền tảng nhân rộng ra các khu vực, vùng miền, góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng và xuất khẩu bền vững, hiệu quả," ông Vũ Bá Phú nói.

Với những thị trường cao cấp và khó tính như Nhật Bản, theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại-Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp nước ngoài muốn có chỗ đứng tại thị trường này cần nghiên cứu tìm hiểu rõ về thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm cùng với việc tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.

"Khi gặp gỡ đối tác Nhật lần đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam cần mang theo danh thiếp, catalogue, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu… Khi đã có mối quan hệ làm ăn với đối tác Nhật, doanh nghiệp cần chú trọng duy trì mối quan hệ đó một cách lâu dài, bền vững...," ông Minh khuyến nghị.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Central Retail thông tin hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công sang Thái Lan, như Mr. Viet (coffee), Bibica, Belvie (Socola), Vifon, Trung Nguyên...

"Có thể thấy, thị trường Thái Lan cũng không quá khó tính. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người Thái Lan," đại diện Central Retail chia sẻ thêm./.

 (Theo Vietnam+)

 

Đăng ngày: 20/05/2022 , 21:05 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác